Nông dân với nước mắt, nụ cười!
(Dân trí) - Theo tính toán, nếu mỗi sinh viên du học tốn khoảng hơn 6 tỉ VND thì chỉ 3 du học sinh tiêu tốn gần 1 triệu USD và tương tự, chỉ cần 5 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, gần 1 triệu USD sẽ đi theo. Đó là chưa kể những dự án khủng với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng thua lỗ, thất thoát đang nằm đắp chiếu…
Người nông dân nước ta thời nào cũng khổ. Không chỉ “đổ mồ hôi” mà còn “sôi nước mắt”. Song, trước khi nói về những chuyện buồn, xin nói về niềm vui trước.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%...
Những con số rất đáng phấn khởi và nếu với cái đà hiện nay, mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 sẽ vượt mức 6,7%.
Đây là niềm vui chung của cả nước. Trong đó, riêng đối với những người nông dân Việt Nam, niềm vui còn tăng gấp bội khi trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung.
Điều này từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.
Được biết, mức xuất khẩu 9 tháng vừa qua tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, đạt 30 tỉ USD.
Thế nhưng cùng với niềm vui ấy, là thông tin từ báo chí cho biết, thanh long đang giá rớt xuống còn 2.000-4.000 đồng/kg tùy loại, thậm chí nhiều loại còn không bán được, chín đỏ ngoài ruộng.
Theo thông tin từ Dân trí, cách đây nửa tháng, thanh long ở Tiền Giang được thu mua với giá 15.000-20.000 đồng/kg. Thậm chí ở Bình Thuận, giá thanh long còn tăng lên 23.000 đồng/kg do Trung Quốc “ăn hàng” mạnh.
Nhưng những ngày gần đây, nông dân huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) nơi trồng gần 6.000 ha thanh long đang khóc ròng vì thương lái không đến thu mua. Giá thanh long ruột đỏ trước đây giá 20.000 đồng/kg, nay chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg.
Chẳng biết cái điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường của một quốc gia khác bao giờ mới buông tha người nông dân.
Và càng xót xa hơn, để kiếm được 1USD về cho đất nước là bao nhiêu khó khăn, vất vả với mồ hôi và công sức. Trong khi mỗi năm, có khoảng 3 tỉ USD (mà nhiều người noi đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực tế còn hơn rất nhiều) đội nón ra đi cho việc du học cùng với hàng tỉ USD khác dành cho khám chữa bệnh.
Theo tính toán, nếu mỗi sinh viên du học tốn khoảng hơn 6 tỉ VND thì chỉ 3 du học sinh tiêu tốn gần 1 triệu USD và tương tự, chỉ cần 5 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, gần 1 triệu USD sẽ đi theo.
Đó là chưa kể những dự án khủng với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng thua lỗ, thất thoát đang nằm đắp chiếu…
Xin cảm ơn với những người nông dân Việt Nam cần cù, dũng cảm ngày đêm lăn lộn trên khắp mọi miền gom góp từng USD về cho đất nước và xin chia sẻ với những giọt “nước mắt nông dân” mỗi lần rớt giá.
Bùi Hoàng Tám