Nỗi oan 32 năm, ai chịu trách nhiệm?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sau 32 năm kiên trì khiếu nại, ngày 23/2, ông Nguyễn Ngọc Lợi đã được "hồi sinh" sau khi Thanh tra Chính phủ làm rõ sự việc. Đây là cái kết xứng đáng cho hành trình gian nan của cựu chiến binh này.

Nỗi oan 32 năm, ai chịu trách nhiệm? - 1

Thông tin từ Dân trí cho biết khi đang học dở lớp 10 (nay là 12), ông Nguyễn Ngọc Lợi (Phú Thọ) tham gia quân ngũ. Thống nhất đất nước, ông được tiếp tục đi học để hoàn thiện chương trình phổ thông rồi sau đó theo học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (nay là Đại học Y- Dược, Đại học Thái Nguyên).

Năm 1988, tốt nghiệp nhưng ông Lợi không được phân công công tác mà nguyên nhân là người ta không thấy hồ sơ gốc của ông.

Từ một cựu quân nhân được học hành bài bản, có tương lai rộng mở, ông Lợi mất tất cả, phải sống chật vật và chịu cảm giác "ngoài rìa xã hội" khi đến 1 tấm giấy chứng minh nhân dân cũng không có.

Từ năm 1990 đến năm 2019, ông Lợi đã có đơn gửi trường Đại học Y - Dược và nhiều cơ quan từ địa phương đến Trung ương nhưng không được xem xét và giải quyết cả khi có đến 3 Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ đều có ý kiến.

Không mất niềm tin vào chân lý, không gục ngã, kiên trì suốt 32 năm, cuối cùng, việc ông đã được xác minh. Thanh tra Chính phủ chỉ mất 15 ngày để tìm được hồ sơ "gốc" của ông Lợi để từ đó "giải oan" cho người cựu chiến binh này!

Xin chúc mừng cho ông Lợi, chúc mừng tổ rà soát của Thanh tra Chính phủ.

Mấu chốt của sự việc cũng đã được làm rõ: Tất cả hồ sơ gốc của ông Lợi đều có đầy đủ ở Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên. Điều mà trước đó, nhiều lần báo cáo lên Bộ GD&ĐT, trường này khẳng định đã chuyển cho tỉnh Phú Thọ!

Ngoài việc khôi phục danh dự, quyền lợi, chế độ cho ông Lợi, đương nhiên, trách nhiệm liên đới của các cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị xử lý.

Điều khiến người dân không khỏi băn khoăn là tại sao bộ hồ sơ của công dân nằm ở một trường đại học mà các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan không tìm ra?. Vụ việc kéo dài hơn 30 năm không thể giải quyết dứt điểm nhưng khi vào cuộc, chỉ cần nửa tháng, cơ quan Thanh tra Chính phủ đã làm rõ?

Phải chăng đó là sự quan liêu, vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, thậm chí là sự vô trách nhiệm kéo dài qua nhiều thế hệ cán bộ liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của công dân.

Hơn 32 năm đằng đẵng, cuối cùng ông Lợi cũng nhận được cái kết viên mãn cho mình. Nhưng không phải ai cũng may mắn như ông, bởi qua rà soát của Thanh tra Chính phủ thì hiện đang có trên 500 vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Tất nhiên, không phải khiếu nại, tố cáo kéo dài nào cũng đúng, nhưng rõ ràng, người dân chưa hoặc không thể đồng tình với cách xử lý, giải quyết của một số người có trách nhiệm, trước hết là ở cấp cơ sở.

Để tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, không chỉ khiến người dân mất niềm tin vào cán bộ, vào Đảng, vào các cơ quan Nhà nước mà còn thể hiện năng lực và thái độ, trách nhiệm làm việc của đội ngũ giải quyết khiếu nại, tố cáo các cấp.

Bảo vệ, giải quyết đúng, kịp thời những khiếu nại, tố cáo của người dân góp phần làm ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân là nhiệm vụ cần phải làm ngay, không thể để chậm trễ hơn nữa.