Nỗi lòng khai giảng

(Dân trí) - “Khai giảng là ngày gì hả mẹ?”. Nghe con hỏi, người mẹ đáp: “Là ngày con và các bạn sẽ bắt đầu năm học mới”. Đứa con lắc đầu: “Sao lạ vậy mẹ, bọn con học từ lâu rồi. Ngày hè con và các bạn vẫn đi học mà”…

Câu chuyện của “hai mẹ con” diễn ra ngay trước giờ khai giảng tại một trường tiểu học ở TP. HCM. Người mẹ trở nên lúng túng trước “phản bác” của con và biết câu trả lời của mình chưa “chuẩn” nên chị gạt đi: “Thì khai giảng là khai giảng”. Thả con xuống khỏi xe, người mẹ chỉ con vào lớp để còn kịp đi làm. Cũng như bao ngày tới trường khác, cả mẹ lẫn con dường như không có nhiều cảm xúc trong ngày lễ khai giảng.
 
Nỗi lòng khai giảng - 1
Minh họa: Ngọc Diệp

Chị nói: “Hồi nhỏ, trước ngày khai giảng là mình mất ăn mất ngủ vì hồi hộp nghĩ đến bạn mới, thầy cô mới. Bố mẹ cũng háo hức theo con. Còn giờ các em học quanh năm, hè cũng học nên nói khai giảng hiện ngay là ngày bắt đầu “sự học” của một năm mới là không đúng. Đi khai giảng nhưng trẻ không có được cảm giác thấp thỏm… được đi học vì các em phải học quá nhiều, đi học trước khai giảng cả tháng trời".

Cũng như các phụ huynh khác, chị không cùng tham gia vào ngày khai giảng với con hay đứng ngoài cổng trường nhìn theo bước chân “ngày con nhập trường” mà vội vã đi làm.

Tại các trường tiểu học - độ tuổi các em háo hức nhất với ngày khai giảng – giờ đây ngày khai giảng của các em không còn hình ảnh bố mẹ khấp khởi, bịn rịn đưa con vào vị trí từng lớp. Ngoài cổng trường cũng vắng tanh, cổng đóng kín mít mà nếu không vào trong hay nghe tiếng loa đài thì không mấy ai biết… đang khai giảng năm học mới.

Với phụ huynh ngày khai giảng giờ đây chỉ là ngày con tập trung dưới sân trường. Nhiều người muốn vào với con cũng không được vì từng vị trí trong ngày lễ đã được xếp trước, không có chỗ dành cho phụ huynh. Thậm chí, ở một số trường nhiều học sinh không được đến khai giảng vì để trang nghiêm, để long trọng, để thành công rực rỡ hoặc vì sân trường không đủ chỗ nên các em dự lễ cũng phải qua khâu… chọn lọc.

Nhiều em có mặt tại lễ khai giảng với vẻ mặt… vô hồn. Tại trường tiểu học chúng tôi có mặt vào lễ khai giảng ngày 5/9, sau nghi lễ chào cờ, tiếng hô hát Quốc ca – Đội ca của giáo viên dẫn chương trình vang lên dõng dạc, nhưng thật khó để tìm nhìn thấy ở các em sự hào hứng cùng nhịp hát. Tiếng hát từ loa đài thu nhạc sẵn vang lên… còn các em chỉ việc nghe. Có những em lẩm bẩm hát theo, nhưng cũng có những em cúi gầm mặt và có em còn đưa tay lên bịt tai lại vì tiếng nhạc từ loa phát ra quá lớn.

Tại bậc học lớn hơn, lễ khai giảng lại càng giảm ý nghĩa với HS và có lẽ với cả giáo viên. Nhiều HS, đặc biệt là các cấp 3 còn trốn lễ khai giảng để tụ tập trước cổng trường, la cà với bạn bè. Một nữ sinh đứng quây quần với bạn trước cổng một trường THPT chờ bạn đi uống trà sữa cho tâm sự: “Có phải ngày đầu gặp bạn bè, trường lớp đâu mà háo hức cơ chứ. Ngày nhỏ em thích khai giảng lắm, bây giờ thì nhạt phèo”.

Tại nhiều trường, khi nghi lễ khai giảng diễn ra, thầy cô đã liên tục phải canh chừng vì sợ học sinh đứng dậy ra về. Có trường phải yêu cầu bảo vệ khóa cửa để các em không có lối ra, buộc phải ngồi lại.

Vì lẽ gì mà lễ khai giảng năm học mới đang mất dần ý nghĩa như vậy? Phải chăng vì người lớn đang lấy đi của trẻ thơ quá nhiều thứ? Lễ khai giảng khi chính bản thân các em đã được “công nghiệp hóa” thì còn đâu cảm xúc và sự hân hoan?

Hoài Nam