Những phong tục và kiêng kị “kỳ lạ” ở làng tôi

(Dân trí) - Làng tôi nằm bên dòng sông Diêm hộ. Không biết có nơi nào như làng tôi, nhiều kiêng khem đến thế, nhất là mỗi khi tết đến, xuân về.

Những phong tục và kiêng kị “kỳ lạ” ở làng tôi

Thành hoàng làng tôi là đức bà Trần Thị Quý Minh, người đã có công sáng tác và truyền bá điệu múa cổ độc nhất vô nhị có tên là “Giáo cờ - giáo quạt”. Bà là công chúa cả của Đức vua Trần Duệ Tông (1337 -1377). Hơn 600 năm trước, do trái lệnh vua cha, không chịu kết hôn với người trong dòng tộc nên Công chúa Trần Thị Quý Minh cùng với hai người em gái bị đày về rẻo đất cửa bể này lập nên ba làng: Thượng Liệt, Trung Liệt và Hạ Liệt.

Thuở ấy, làng tôi là bãi đất bồi, hoang vu và đầy năn lác, sú vẹt.

Vào những ngày đầu mở đất, để giúp người dân quên đi nỗi gian lao, cực nhọc và cũng để vơi đi nỗi nhớ kinh thành của mình, bà đã dày công soạn ra điệu múa "Giáo cờ -Giáo quạt" gồm 36 cấp với phần lời hát ẩn chứa niềm thương nhớ kinh kỳ và niềm tôn kính vua cha.

Khi đánh giá về điệu múa này, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây là điệu múa độc đáo vì đậm bản sắc, nó đòi hỏi rất cao ở tài năng bẩm sinh cũng như sự khổ luyện của người thể hiện.

Đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, nghệ sĩ Easola Thủy đã cùng với các vũ công làng tôi và làng An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình) dựng vở vũ kịch nổi tiếng "Hạn hán và cơn mưa" đưa những vũ công làng tôi đi 15 quốc gia trên thế giới.

Vũ hội xuân mới ở làng tôi được tổ chức từ ngày 10 đến hết 12 tháng Giêng hằng năm. Đến năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lễ hội ngừng hoạt động và đến năm 1987 thì được phục hồi. Nhờ quần thể di tích Đình - Chùa - Lăng và đặc biệt là điệu múa Giáo cờ - Giáo quạt độc đáo mà đình làng tôi được cấp bằng công nhận Di tích Văn hóa ngay đợt đầu tiên.

Là người khai khẩn, truyền tải văn minh đô thành về miền đất hoang vu này nên khi mất, bà được dân làng suy tôn là Thành hoàng và người làng tôi không bao giờ nói "quý" và "minh" mà thường nói chệch thành "quế" và "miêng".

Khi có khách đến chơi nhà, người làng tôi thường bảo: “Bác đến thăm nhà em thế này là quế hóa lắm...”. Ngay cả ngày "thanh minh" cũng đọc chệch thành "thanh miêng".

Trong ba ngày tết, người làng tôi kiêng kị rất kỹ. Đầu tiên là việc xông nhà. Chỉ những người làm ăn, học hành phát đạt mới được mời xông nhà. Anh trai tôi là người đầu tiên học đại học của làng nên thường được họ mạc mời đến xông nhà sáng mồng một Tết để lấy may trên con đường học hành, thi cử.

Trong ba ngày tết, người làng tôi không cho quét nhà dù bẩn cũng phải chịu vì “của cào vào không có, có của đổ đi". Lại có người bảo quét nhà ngày mồng một thì… sinh kiến. Tôi không hiểu cái lũ kiến đen, kiến đỏ thì liên quan gì đến việc quét nhà nhỉ? Thậm chí nhà bẩn mới sinh kiên chứ?

Người làng tôi ngày tết cũng kiêng cả việc cắt móng chân, móng tay vì làm như vậy là "sái" cả năm. Cả việc chải đầu cũng không được làm vào sáng mồng một vì sợ... rắc rối.

Đặc biệt là người làng tôi rất ngại việc vay mượn, xin xỏ, nhờ vả người khác vì điều đó làm “giông” người cho vay cả năm.

Những cô gái làng khác về làng tôi làm dâu một trong những điều đầu tiên được các bà mẹ chồng truyền bảo là phương cách sắp bữa cơm tất niên cho ngày ba mươi tết.

Ngày mẹ tôi còn sống, vào đầu vụ gặt tháng mười, bà thường chọn một đám lúa chín sớm nhất, trĩu hạt nhất gặt về phơi thật se dưới cái nắng hanh đầu mùa rồi cho vào chum sành, ủ bên trên bằng một lớp dày lá chuối hột khô chờ đúng đến sáng ba mươi tết mới được đem xay giã.

Mẹ tôi bảo làm thế thóc hãy còn "tươi" nên đượm mùi thơm lúa mới. Để nấu nồi cơm này, mẹ còn chuẩn bị kỹ cả củi đun. Đó phải là rơm của những ruộng lúa nếp không rạp đổ, phơi thật khô dưới cái nắng hanh hao vàng như mật của ngày cuối thu.

Từ nhỏ, tôi rất thích được ngắm mẹ khi Người ngồi thổi cơm Tết. Trong cái rét căm căm của châu thổ sông Hồng, khuôn mặt mẹ thường ngày tím tái vì thiếu đói và bươn chải nuôi con giờ hồng rực lên như thời con gái.

Mẹ tôi chọn đồ cúng rất kỹ, nhất là con gà để cúng đêm trừ tịch. Đó phải là chú gà trống chớm tuổi trưởng thành. Nó không còn là gà nhiếp nhưng cũng chưa đến tuổi te tái đuổi theo ả gà mái tơ nhà hàng xóm.

Trước khi đặt lưỡi dao sáng loáng vào cổ con gà để cắt tiết, bao giờ mẹ tôi cũng nói câu thần chú quen thuộc: "Tao hóa kiếp cho mày để mày thành kiếp khác". Cho đến tận những năm bốn mươi tuổi, tôi còn rất sợ câu "thần chú" này nhưng khi đã bước sang tuổi ngũ tuần, tôi mới hiểu được ẩn ý sâu thẳm của câu "thần chú thiêng liêng" đó.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!