Những người đàn ông… đổ đốn!

(Dân trí) - Tập đoàn kinh tế của Nhà nước lương “ăn” vào chi phí, tài sản nhà nước đầu tư chứ không phải từ lợi nhuận kinh doanh nên lãi thì họ hưởng, còn lỗ thì Nhà nước chịu, bởi thế dù làm ăn thua lỗ to, lương của họ vẫn cao ngất ngưởng…

 

 (Minh họa: Vũ Toản)

 (Minh họa: Vũ Toản)

 

 
Cô em gái ôm lấy chị, nước mắt giọt ngắn giọt dài:

- Hức . hức … chị ơi, chồng em bây giờ đổ đốn!

- Lạ! Xưa nay hắn vốn là con người “chuẩn không cần chỉnh” đối với vợ con, sao bây giờ có thể thế được! Chuyện gì nghiêm trọng vậy?

- Mấy tháng rồi, hắn không đưa lương về cho em. Em hỏi chị, hắn ta rượu không biết uống, cờ bạc không chơi, ma túy không dính, vậy thì tiền lương không đưa cho vợ thì chỉ cho gái chứ gì nữa. Ghét cái là khi em tra khảo, hắn vẫn một mực “kiên định” khai: Doanh nghiệp của hắn làm ăn thua lỗ nên không có tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên.

- Ối trời ơi, sao mà giống hệt như chồng chị thế, cũng mấy tháng nay có đưa lương về cho chị đâu.

- Ô. ô . .  hóa ra chồng chị cũng đổ đốn như chồng em sao?

            - Chẳng ai đổ đốn cả! Tại em hàng ngày cứ bật ti vi lên là dán mắt vào phim tình cảm Hàn Quốc, chẳng chịu theo dõi tin tức thời sự trong nước nên không biết rằng hiện nay có tới năm vạn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhiều đơn vị không có tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên. Trong hoàn cảnh ấy, chồng em, chồng chị không đem lương về cho vợ, cũng là lẽ thường tình thôi.

            - Xì! Chị khoe luôn theo dõi thời sự mà cũng nói sai rồi. Truyền hình đã  chẳng vừa đưa tin theo báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam năm 2011 lỗ gần một ngàn năm trăm tỉ đồng ấy vậy mà lương Chủ tịch tập đoàn này vẫn 58 triệu đồng/tháng, các ủy viên Hội đồng quản trị vẫn 40 triệu, còn tiền lương thực tế bình quân của cán bộ, nhân viên làm việc tại công ty mẹ của tập đoàn tới 20,96 triệu đồng. Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hồi cuối năm 2011 trong lúc đang lỗ tới cả chục ngàn tỉ đồng nhưng lương bình quân khối văn phòng công ty mẹ của tập đoàn này vẫn suýt soát 30 triệu đồng, lương bình quân của toàn ngành 7,3 triệu đồng mà họ vẫn than vãn trước Quốc hội là ít, là khổ. Họ đang nợ nần ngập đầu ngập cổ, chưa trả được. Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ quá hạn hơn mười ngàn tỉ đồng, nhưng lương của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên trong tập đoàn của họ có bị ảnh hưởng đâu.

Từ đó suy ra, lỗ và lương là hai chuyện khác nhau, chả liên quan và ảnh hưởng gì đến nhau. Dù doanh nghiệp của chồng em có lỗ, lương của chồng em vẫn phải y nguyên chứ, lĩnh lương rồi, hắn không đổ tiền lương vào rượu bia, vào cờ bạc lại không đem về nộp cho vợ thì chỉ có đổ vào túi của gái chứ còn gì nữa. Em nghĩ vậy có đúng không nào?

            - Trời ơi, em biết một mà không biết mười. Doanh nghiệp chồng chị, chồng em đang làm là doanh nghiệp khu vực tư nhân, những người có trách nhiệm chỉ nhận mức lương cao khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nếu thua lỗ hoặc kinh doanh kém hiệu quả, không chỉ lương sẽ giảm, mà lỗ nặng còn chẳng có lương. Nhưng các Tập đoàn kinh tế của Nhà nước lại trả lương “ăn” vào chi phí, tài sản nhà nước đầu tư chứ không phải trả lương từ lợi nhuận kinh doanh nên lãi thì họ hưởng, còn lỗ thì Nhà nước chịu, bởi thế dù làm ăn thua lỗ to, lương của các vị ấy vẫn cao ngất ngưởng. Có thế mà  em lại không hiểu sao?!

            - Hiểu, Hiều rồi. Tiếc quá, sao chồng chị, chồng em không cố mà xin vào Tập đoàn kinh tế nhà nước, lại đổ đốn đâm đầu vào doanh nghiệp khu vực tư nhân để chị em mình bây giờ tiền chẳng có. Hu . hu …

 

 

Nguyễn Đoàn

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!