Những kiểu “se duyên” Tây - Ta
Joe trăn trở về những kiểu người phù hợp để lấy người nước ngoài và đúc kết ra hai kiểu chính: “mặc dù nhưng” và “ngựa ô”!
Kiểu người nào phù hợp lấy người nước ngoài?
Tôi nhiều lần tự hỏi mình câu đó. Kiểu người nào phù hợp lấy người nước ngoài...nhỉ? Nói cách khác, kiểu người nào phù hợp lấy người “văn hóa ngoài” - vì thỉnh thoảng nơi xa có văn hóa gần, nơi gần có văn hóa xa.
Khi nói “phù hợp” ý tôi là trường hợp lấy người nước ngoài sẽ có hôn nhân hạnh phúc, gia đình đầm ấm, hai người sống với nhau cho đến lúc đầu bạc răng long (theo các cụ đã có đầu bạc và răng long rồi hay nói.)
“Mặc dù…nhưng”
Trong nhiều trường hợp, tôi thấy người chưa bao giờ nghĩ họ sẽ lấy người nước ngoài lại phù hợp lấy người nước ngoài hơn người có ý định lấy người nước ngoài từ lâu.
Điều này khó giải thích (và khó diễn đạt một cách không lòng vòng!). Nhiều lần đi karaoke, tôi thấy người chưa bao giờ nghĩ họ sẽ thành ca sĩ lại hát hay và tự nhiên hơn người có ý định thành ca sĩ từ bé – có khi dùng so sánh vậy ý của tôi sẽ dễ hiểu hơn.
Họ cũng đến với nhau vì tính cách – không phải vì văn hóa, vì ngôn ngữ, vì màu tóc, vì hộ chiếu v.v. Việc tìm hiểu nhau rất chân thành. Họ không cố tình đến với mục đích lớn lao mà mục đích lớn lao bất ngờ đến với họ. Tạm gọi là tình yêu của anh hùng Núp!
Họ lấy một người, không lấy một văn hóa; họ hát vì thích bài, không hát vì thích quán karaoke.
Thứ hai, những người không nghĩ họ sẽ lấy người nước ngoài thường thuộc loại người thỏa mãn với cuộc sống đang có. Ở đây có một điều mâu thuẫn. Tính cách đó vừa là điều khiến họ không cố tình đến với nhau, vừa là điều khiến họ ở lại bên nhau sau khi cái duyên đã xếp một cuộc hẹn.
Để làm bài này phong phú hơn, tôi sẽ gọi tính cách đó là tính mặc dù nhưng”. Trước khi cưới: Mặc dù lấy người nước ngoài là mốt nhưng tôi thích cuộc sống bình thường hơn. Sau khi cưới: Mặc dù hai ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn có thể tìm được sự chia sẻ tốt cho cả hai, v.v.
Tình yêu giữa người khác văn hóa sẽ có chướng ngại vật là một bức tường cao. Người tham vọng và cầu toàn sẽ tìm mọi cách để vượt qua hết (và thất bại). Còn người có tính “mặc dù nhưng” này sẽ dừng lại trước bức tường quá cao, trải chiếu, ăn píc-níc. Mặc dù không vượt qua được nhưng cũng không sao, vẫn có thể cùng nhau ăn ngon.
Mà dưới bóng bức tường cũng mát mẻ chứ!
Các con ngựa ô
Đó là những người không nghĩ họ bao giờ sẽ lấy nước ngoài, thấy cuộc sống “bình thường” là đủ. Còn những người rất thích có một người vợ, một người chồng đến từ đất nước khác tôi sẽ gọi là “ngựa ô”. Đối với ngựa ô, hạnh phúc trong hôn nhân vượt biển sẽ khó với tới hơn.
Thỉnh thoảng cảm giác muốn lấy người khác văn hóa xuất phát từ cảm giác không muốn lấy người cùng văn hóa. Tôi không thích quả cam. Quả táo khác với quả cam. Tôi sẽ thích quả táo. Lô-gíc đó chưa chặt chẽ lắm.
Nhiều người muốn lấy người nước ngoài vì không muốn “hy sinh”. (Còn hy sinh như thế nào là chuyện dài.) Tuy nhiên điều quan trọng nhất khi lấy người khác văn hóa là phải biết hy sinh! Sự mâu thuẫn là ở đó. Tôi không tập trung vào người nam hay người nữ, người Tây hay người Việt – tôi chỉ nói chung rằng trong một cuộc hôn nhân giữa hai người đến từ hai văn hóa thì cả hai người sẽ phải hy sinh rất nhiều thứ, trong đó có một số thứ đến phút 89 mới biết là phải hy sinh.
Tất nhiên ngựa ô không chỉ thích quả táo vì không thích quả cam. Ngựa ô đã nghiên cứu quả táo rồi. Ngựa ô xem quảng cáo.
Có khi nhiều người nói với các ngựa ô rằng quả táo ngon lắm! Trên phim quả táo xuất hiện hoành tráng. Trên internet nhiều tác giả ưa chuộng quả táo lắm! Điều này làm các con ngựa ô tò mò, có khi họ đã từng “ăn thử” và thấy thích.
Thêm vào đó, các anh chị ngựa ô rất nhanh nhẹn. Họ có khả năng học ngôn ngữ rất nhanh, nghiên cứu phong tục tập quán rất sâu. Họ sẽ biết hòa nhập một cách dễ sợ!
Nhưng không phải càng hiểu một văn hóa càng hợp lấy người thuộc văn hóa đó. Nhiều khi sự hiểu biết đó gây tác dụng ngược. Chính vì khả năng hòa nhập cao nên họ sẽ cảm thấy rất khó chịu khi phải dừng lại trước một “bức tường văn hóa” cao quá. Họ là ngựa ô, họ không thích ngồi xuống trải chiếu ăn píc-níc đâu!
Happy pigs
Kiểu người có ý định lấy người nước ngoài tôi đã gọi là “ngựa ô” rồi. Còn kiểu người tôi mô tả trước, kiểu người không nghĩ sẽ lấy người nước ngoài, không chọn “khác văn hóa” làm tiêu chuẩn để yêu, thấy thỏa mãn với cuộc sống đang có, có tính “mặc dù nhưng” – tôi sẽ gọi họ là “lợn ỷ”
Các cụ (của các bạn) có câu “Ta về ta tắm áo ta”. Tôi nghĩ câu này không áp dụng được với lợn ỷ. Lợn ỷ Tây lấy lợn ỷ Việt tôi nghĩ rất hợp lý. Với lợn ỷ, ao là ao, bùn là bùn, cơm là cơm, dù ao ở đâu, bùn màu gì và cơm loại nào.
Đừng hiểu nhầm rằng tôi nói lợn ỷ không có tiêu chuẩn hoặc dễ quên họ là ai. Họ có và họ nhớ. Ý tôi là các anh chị lợn ỷ có khả năng nhận ra và chấp nhận những gì không thể thay đổi trong tính cách của nhau, không quá lo lắng về những điều nằm ngoài tầm kiểm soát. Họ sống vui ở giữa ao.
Lấy người nước ngoài sẽ có nhiều cái được và nhiều cái mất. Lợn ỷ may mắn ở chỗ: lúc đầu họ nghĩ đến cái mất, lúc sau mới đón nhận cái được. Ngựa ô thì ngược lại: lúc đầu họ nghĩ đến cái được, lúc sau mới phát hiện cái mất! Vẫn là cái được và cái mất ấy, chỉ có điều lợn ỷ ăn theo thứ tự dinh dưỡng hơn!
Tuy nhiên ngựa ô vẫn có thể tìm được hạnh phúc bên cạnh quả táo tươi đỏ của họ. Nếu biết điểm yếu của mình, biết nhìn lại chính mình, nỗi thất vọng sẽ nhỏ đi, niềm hạnh phúc sẽ to lên. Trên báo mạng có nhiều bài viết về các sao là ngựa ô Việt Nam hạnh phúc bên quả táo Tây Phương của họ.
Có khi tôi đang bị lẫn so sánh. Một con lợn ỷ lấy một con lợn ỷ khác tôi thấy chuẩn. Nhưng một con ngựa ô lấy một quả táo tôi thấy hơi lệch – đó sẽ là cuộc hôn nhân ngắn nhất thế giới!
Một con ngựa ô nên lấy một con ngựa ô khác. Như thế mới chuẩn. Mã tầm mã, “ngựa tầm ngọ” (Tôi sẽ mở rộng định nghĩa “ngựa ô” gồm những người tham vọng, nhanh nhẹn, thích điều mới lạ nói chung, không dừng lại ở người thích lấy người nước ngoài).
Tuy nhiên một hôn nhân ở giữa một con lợn ỷ Tây và một con lợn ỷ Việt thường sẽ hạnh phúc hơn một hôn nhân ở giữa một ngựa ô Tây và một ngựa Ô Việt. Mặc dù cả hai trường hợp đều là “lấy cùng loài” nhưng có sự khác biệt khó nói.
Ngựa ô chạy bên nhau phải hiểu nhau gần 99%. Vì chạy rất nhanh nên có nhiều điều không kịp nói mà phải linh cảm với nhau: đặt chân ở đâu, nhảy lên vào chính lúc nào… Đôi khi sự linh cảm đó, sự ăn ý đó, dựa trên yếu tố phải có từ bé.
Joe