Những khoản thưởng, phạt kỳ lạ ở Việt Nam: Sẽ đi vào sách Guinness thế giới?

(Dân trí) - Trong mấy tuần qua, chúng ta đều đã chứng kiến những khoản thưởng phạt kỳ lạ, hài hước đến khó tin của một số đơn vị, cơ quan nhà nước.... Những mức thưởng, phạt này có thể đi vào kỷ lục Guinness của thế giới được.

mh_phat.jpg

 

Như Dân trí đã đưa tin , Ban quản lý dự án một con đường giao thông huyện miền núi Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam đã ra mức thưởng  14.000 đồng cho người dân nào tại đây hoàn thành việc di dời để trả mặt bằng cho đơn vị thi công. Khỏi phải nói về mức độ hài hước của quyết định gọi là "thưởng" này- một mức thưởng có khi còn chưa đủ để người dân mua xăng chạy xe để nếu họ đến cơ quan quản lý nhận thưởng.

Tất nhiên, cho đến nay, chẳng ai nhận thưởng cả và những "phần thưởng" đó, vĩnh viễn nằm lại ở tài khoản của Ban quản lý dự án.  E rằng, bây giờ có nhân gấp 10 mức thưởng đó lên, chắc gì đã có người dân nào chịu nhận, cho dù cuối cùng, cứ cho là vì lợi ích quốc gia, họ phải di dời, rời xa ngôi nhà, mảnh đất ông, cha để lại bao đời. 

Thưởng để giải phóng mặt bằng có thể là một cách tốt để khuyến khích, động viên, nhưng nếu nó ở mức tương đối xứng đáng. Còn thưởng mức này thì thực sự là một trò đùa, có khi tác dụng ngược lại.

Nó cũng giống như quy định về hỗ trợ tiền điện cho người nghèo trước nay. Những người được hỗ trợ thường là những người có mức thu nhập rất thấp, người đồng bào dân tộc ít người ở các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Nhưng mức hỗ trợ thường cũng chỉ tối đa 30.000 đồng/tháng.

Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, việc phải đi hàng chục km đường rừng núi để đến được nơi nhận tiền "hỗ trợ" quả thực là trò đánh đố với người nghèo.

Cho nên qua tổng kết của Bộ Công Thương, cũng chỉ có rất ít người dân đến nhận, một năm chỉ có 2 ngàn người đến nhận. Vì thế, Bộ Tài chính đã có thời gian đề nghị xóa bỏ khoản hỗ trợ này.

Lại nói đến các khoản phạt, chúng ta cũng đã nhiều lần chứng kiến những khoản phạt rất "giời ơi" cho những hành động sai phạm, vi phạm như cách hành vi đi ngược chiều trên cao tốc, dừng xe, mở tiệc ăn uống ven đường cao tốc... chỉ vài triệu đồng, chẳng đủ để răn đe ai cả. Nhưng dù sao, nó cũng còn có hình thù của một khoản phạt.

Nhưng đến việc phạt thanh niên có hành vi tấn công, quấy tối tình dục, ôm ghì, hôn cô gái trong thang máy vừa rồi ở Hà Nội thì quả thực, mức phạt 200.000 đồng đó thật quá khó tin. Nó giống như một khoản thưởng, khuyến khích cho hành vi đó hơn là phạt. Chẳng phải tự nhiên mạng xã hội, báo chí sau đó tha hồ viết, chế hình để chế nhạo quyết định phạt đó như kiểu mọi người găm sẵn những tập 200 ngàn đồng trên túi để sẵn sàng trả tiền phạt khi được ôm hôn các cô gái trẻ đẹp trong thang máy dù… trái với ý muốn của họ vậy.

Nhưng trớ trêu là đúng theo Nghị định ....thì hành động vi phạm trên cũng chỉ ở mức phạt hành chính thôi: Từ 100-300 ngàn đồng. Còn ở mức gây ra hậu quả nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở đây, Công an quận Thanh Xuân chỉ áp dụng mức phạt 200 ngàn đồng không phải không có lý của họ.

Tất nhiên, theo đa số người dân, có thể đưa hành vi của anh này vào khung xử lý trách nhiệm hình sự là hợp lý. Vì ở nhiều nước trên thế giới, hành vi quấy rối tình dục thường sẽ bị phạt khá nặng, từ mức tù 3-6 tháng, còn phải kèm theo các mức phạt tiền rất đáng kể hoặc kèm theo hình phạt bổ sung là lao động khổ sai. Có như thế mới đủ sức răn đe. Còn như mức phạt cho hành vi trên ở Việt Nam, rõ là một chuyện đáng cười, đáng ghi vào kỷ lục thế giới. Chẳng thế, một số báo chí nước ngoài đã đăng lại việc này, như một sự kỳ lạ về pháp luật của Việt Nam.

Một hệ quả của việc quy định pháp luật bất hợp lý là người dân tự ý thực hiện những điều họ cho là đúng. Ví dụ, sau khi người thanh niên có hành vi đáng xấu hổ trên bị phạt 200 ngàn đồng thì ở rất nhiều chung cư, nhà hàng... người ta đã dán ảnh anh này kèm dòng chữ: Chúng tôi từ chối phục vụ, hãy cảnh giác với người đàn ông biến thái này... Đó là hình phạt kinh khủng với thanh niên kia. Nhưng nếu luật pháp có quy định xử lý đúng mực với anh ta, thì chưa chắc người dân đã phải làm việc này.

Cơ quan nhà nước luôn phải thực hiện đúng luật. Điều đó thì rõ rồi. Nhưng nếu luật pháp không còn phù hợp với thực tế cuộc sống, không đáp ứng được lòng dân thì cần sớm phải sửa luật để các quy định chưa phù hợp phải nghiêm khắc hơn, có sức răn đe hơn. Cho nên, cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an rà soát, xem xét, sửa đổi qui định về hành vi quấy rối tình dục cũng là chỉ đạo rất kịp thời.

Nhưng mong rằng, không chỉ có quy định này, các bộ, ngành hữu quan nên có đợt rà soát tổng thể các quy định luật pháp về việc thưởng, phạt trên tất cả các lĩnh vực để không có những khoản thưởng, phạt vô lý đến khó tin như thời gian qua.

 

Mạnh Quân