Những kẻ khoác trên mình pháp phục làm vấy bẩn Phật pháp

Hoàng Lam

(Dân trí) - Người mặc pháp phục, tự cạo tóc, dù chưa quy y nhưng ngang nhiên làm lễ xuất gia cho người khác, ngụy tạo hình ảnh để trục lợi đã vấy bẩn những giá trị tốt đẹp mà Phật pháp hướng tới.

Những kẻ khoác trên mình pháp phục làm vấy bẩn Phật pháp - 1

Ông Lê Tùng Vân đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai.

Ngày 4/1, Công an tỉnh Long An khởi tố vụ án "Lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi" xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai". Chỉ một ngày sau, đơn vị này đã thay đổi tội danh, điều tra theo các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân" và "Loạn luân" xảy ra tại đây.

Điều này chứng tỏ, Công an tỉnh Long An đã rất khẩn trương và quyết liệt nhưng cũng rất cẩn trọng trong việc phanh phui những vi phạm xảy ra tại cơ sở núp bóng tôn giáo này.

Phải khẳng định rằng, đây không phải là cơ sở tôn giáo hợp pháp mà chỉ là một cơ sở thờ tự tại gia của một nhóm người nhưng lại treo biển "cơ sở tôn giáo".

Điểm tu tại gia này được bà Cao Thị Cúc (Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) lập năm 2014. Một năm sau, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TPHCM) chuyển về đây sống chung với bà Cúc. Cả hai người được xác định "có mối quan hệ phức tạp".

Trước đó, vào năm 2007, ông Lê Tùng Vân là giám đốc tự phong của trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức. Tuy nhiên, do cơ sở này hoạt động không đúng theo quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không bảo đảm, việc chấp hành đăng ký tạm trú và đăng ký nhận nuôi con nuôi không tuân thủ quy định, nên đã bị UBND huyện Bình Chánh (TPHCM) quyết định chấm dứt hoạt động.

Ở điểm tu tại gia của bà Cúc, ông Vân nhận nuôi con nuôi với danh nghĩa làm từ thiện và tự thành lập "Tịnh thất Bồng Lai", sau này đổi tên là "Thiền am bên bờ vũ trụ".

Mặc dù những người này xuất hiện trong trang phục áo lam hay lễ phục Phật giáo và cá nhân ông Lê Tùng Vân tự nhận pháp danh, mặc nhiên để người khác gọi mình là "Hòa thượng Thích Tâm Đức" nhưng ngay từ cái tên của cơ sở này cũng đã khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.

Rõ ràng, sự nhập nhằng từ chính tên gọi, bộ pháp phục khoác lên người, vẻ bề ngoài và phát ngôn của những người sinh sống ở đây đã cho thấy một ý đồ không đáng tin cậy từ cơ sở "mạo danh" Phật giáo này.

Những "chú tiểu" từng xuất hiện trên các kênh thông tin được giới thiệu là trẻ mồ côi, được những người trong cơ sở này nuôi nấng, dạy dỗ thực ra chẳng phải trẻ mồ côi, mà vẫn sống với mẹ đẻ. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đa số trẻ em sinh sống tại "Tịnh thất Bồng Lai" có quan hệ huyết thống với ông Vân.

Những đứa trẻ có tài năng nhưng bất hạnh khi trở thành công cụ kiếm tiền của nhiều người, và có thể đã bị bạo hành, xâm hại trong thời gian dài. Những đứa trẻ bị cạo trọc đầu và phải mặc áo lam, bị biến thành kẻ không cha, không mẹ để lợi dụng lòng trắc ẩn và thiện lương của nhiều người theo một kịch bản đã được vạch sẵn.  

Những "bóc tách" trong quá trình điều tra, xác minh thông tin của cơ quan công an đã "phát lộ" những nghi vấn kinh hoàng từ cơ sở mạo nhận tôn giáo này. Cụ thể, ông Lê Tùng Vân có dấu hiệu của tội loạn luân, có quan hệ huyết thống với nhiều người trong "Tịnh thất Bồng Lai" chứ không phải "cả một đời tu, không vợ, không con" như ông này tuyên bố trước đó trong một livestream trên mạng xã hội.

Điều dư luận không khỏi băn khoăn là những dấu hiệu phạm tội của ông Lê Tùng Vân cũng như "Tịnh thất Bồng Lai" đã kéo dài nhiều năm nhưng không hiểu sao đến nay mới bị phát hiện và xử lý. Việc lợi dụng tôn giáo, lòng trắc ẩn của người đời để trục lợi không chỉ vi phạm pháp luật mà ảnh hưởng lớn đến sự uy nghiêm và những giá trị tốt đẹp mà Phật pháp hướng con người tới.

Tin chắc rằng, những dấu hiệu phạm tội của ông Lê Tùng Vân sẽ sớm được làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhất là làm rõ có tội loạn luân hay không? Không để những kẻ tự ý khoác lên mình pháp phục làm vấy bẩn Phật pháp, chà đạp lên các giá trị đạo đức và quy định của pháp luật.