Những con số mang nội hàm “xót xa” & “cay đắng”!
(Dân trí) - Chỉ có 4 trường hợp kê khai không trung thực. 500 tỉ đồng và 20 năm tù. 3% trong tổng số 14.000 tỉ đồng. 60.000 tỷ đồng, 400ha đất đai. Gần 3.000 vụ án, hơn 7.000 bị can phạm tội về tham nhũng… Đó là những con số xót xa, xấu hổ và cay đắng.
Xin nói về từng trường hợp đã dẫn chứng trong số nhiều trường hợp không nêu ra ở đây.
Con số 4 trường hợp không trung thực là kết quả từ gần một triệu bản kê khai tài sản bị phát hiện. Một tí lệ xót xa và xấu hổ.
Nói xót xa bởi để có được gần một triệu bản kê khai tài sản, mất rất nhiều công sức, tiền bạc và hơn thế, là quyết tâm không dễ đạt được sau rất nhiều bàn bạc, quyết định. Nói xót xa là bởi cái tỉ lệ 4/1.000.000 có gì như “hài hước”, không có thật.
Con số 500 tỉ đồng và 20 năm tù là cái giá mà Phạm Thanh Bình phải trả trong vụ Vinashin.
Xót xa bởi 500 tỉ đồng thời điểm cách đây gần một chục năm to lắm. Không, bây giờ cũng rất, rất khổng lồ. Thế nhưng nó chỉ được “định giá” bằng 20 năm tù, chia ra trung bình, 25 tỉ/1 năm tù (chưa kể đặc xá, giảm án nếu cải tạo tốt), tức là hơn 2 tỉ đồng/tháng.
3% trong tổng số 14.000 tỉ đồng là con số tài sản thu hồi từ vụ án đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo Huyền Như. 14.000 tỉ lớn lắm, kinh khủng lắm mà thu hồi thì không khác gì “muối bỏ bể”.
60.000 tỷ đồng, 400 ha đất đai là số tài sản tham nhũng được phát hiện trong 10 năm qua do ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra Chính phủ trình bày trong báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng,
Gần 3.000 vụ án, hơn 7.000 bị can phạm tội về tham nhũng, gây thiệt hại trên 23.500 tỷ đồng là con số được Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an cho biết cũng tại buổi tổng kết trên.
Đọc những con số trên, không khỏi xót xa, xấu hổ và cay đắng.
Luật phòng chống tham nhũng đã có hiệu lực hơn 10 năm (6/2006 – 7/2016), thế nhưng tại hội nghị trên, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vẫn phải nêu lên:
“Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước, lĩnh vực tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ... đã gây ra những hậu quả xấu trên nhiều mặt, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, tạo ra những tiềm ẩn xung đột lợi ích, phản ứng xã hội, làm gia tăng mạnh khoảng cách giàu nghèo”.
Trên báo điện tử Đại biểu Nhân dân, tiếng nói của Quốc hội, trong bài “Những câu hỏi còn bỏ ngỏ” ngày 13-7 , tác giả Hà Phương viết:
“Lòng dân bất bình, dư luận bức xúc cũng bởi tham nhũng cứ chặn vụ này, thì vụ kia lại lòi ra. Vụ sau lớn hơn, tinh vi hơn vụ trước. Tham nhũng giờ không còn “đơn thương độc mã”, mà “kéo cánh kéo bè” che chắn, o bế cho nhau. Tham nhũng, ai hay cũng có cả “quy trình, dây chuyền” khép kín nghe mới lạ?”.
Xấu hổ, xót xa và nhất là cay đắng.
Xấu hổ bởi 10 năm, phát hiện gần 3000 vụ án tham nhũng, tức là trừ ngày nghỉ thứ bây, chủ nhật và các ngày lễ tết, trung bình mỗi ngày có khoảng một vụ tham nhũng. Nhiều tổ chức đã xếp hạng Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tệ nạn tham nhũng cao.
Xót xa bởi 7.000 bị can, tức mỗi ngày có hơn 2 cán bộ, đảng viên (tất nhiên, tội tham nhũng thì đối tượng khó mà không nằm trong tổ chức, người có chức, có quyền) tham nhũng. Đây là tổn thất không nhỏ.
Cay đắng bởi đây chỉ là con số đã phát hiện và xử lý. Có thể, con số chưa phát hiện hoặc phát hiện nhưng chưa (hoặc không) xử lý còn lớn hơn nữa.
Tham nhũng tràn lan ở mọi lĩnh vực. Phát hiện chưa nhiều. Xử lý chưa hiệu quả… Đó là những gì đang diễn ra hiện nay.
Mong rằng trong các bản tổng kết 5 năm, 10 năm nữa, chúng ta không còn phải đọc những con số xót xa, cay đắng.
Bùi Hoàng Tám