Những cây "ATM" gạo, dù thế nào đó cũng là một ý tưởng xuất sắc
(Dân trí) - Sự xuất hiện của những cây ATM gạo ở một loạt địa phương có thể nói là một ý tưởng nhân đạo tuyệt vời khi dịch Covid-19 còn phức tạp, đã đang gây ra những hậu quả to lớn về nhiều mặt kinh tế-xã hội.
Hiện chưa có thông kê đầy đủ, nhưng chắc chắn đã có ít nhất gần một trăm cây "ATM gạo" xuất hiện đồng loạt ở nhiều địa phương để giúp những người dân nghèo trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở phải tạm ngừng hoạt động khiến hàng chục vạn người không có việc làm, lâm vào cảnh rất khó khăn.
Trong những ngày qua, theo phản ánh của báo chí, có những cây "ATM gạo" đã có tới 2.000 người dân tới nhận gạo. Do số lượng người nhận lớn nên có những người, để chờ đến lượt, mất đến cả nửa ngày.
Điều đó cũng đủ nói lên rằng, có nhiều người dân đang thực sự rất khó khăn. Bởi nếu một người có việc làm, không phải do nghèo đói, chắc chắn họ sẽ không để mất quá nhiều thời gian như vậy chỉ để lấy 2-3 kg gạo trị giá vài chục ngàn đồng.
Vài cân gạo, về mặt giá trị kinh tế, không phải cao nhưng ít nhất, nó cũng đủ giúp một gia đình vẫn có cơm ăn, không bị đói trong vài ngày. Khi hết, họ có thể lại đi nhận tiếp. Phần quà ấy có thể nói rất giàu ý nghĩa nhân văn.
Tuy nhiên, điều đang buồn là cũng không ít những người tuy không hề đói, nghèo, không hề thất nghiệp nhưng vẫn tham gia xếp hàng, thậm chí rủ cả hàng xóm rồi vòng đi, vòng lại nhiều lần để lấy gạo.
Nên đã có những video clip của người dân ghi nhận có những người mặc toàn đồ hiệu hay đi xe máy đắt tiền (như SH) vẫn đến các cột "ATM gạo" để tranh, lấy đồ cứu trợ với những người khó khăn nhiều hơn mình.
Thậm chí, những ngày đầu, có nơi, có chỗ còn chen lấn, xô đẩy để lấy gạo "ATM", vi phạm các quy định về phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Những việc làm của một số người thiếu lòng tự trọng ấy đã dẫn đến các nhà hảo tâm phải đi đến một số giải pháp gây tranh cãi là lắp đặt thiết bị nhận diện khuôn mặt để nhằm ngăn chặn những người đã nhận đồ cứu trợ lại vòng đi, vòng lại nhiều lần để được nhận thật nhiều; bắt buộc kê khai, giãn cách đủ 2m, đeo khẩu trang, khử khuẩn... mới được nhận gạo.
Có nhiều ý kiến cho rằng, cái hay của ý tưởng "cây gạo ATM" là giúp người có lương thực mà khiến cả người cho và người nhận không cần phải biết mặt nhau, khiến người dân thấu cảm được sự bác ái một cách chân phương, không nặng nề xin cho ban phát.
Một khi đã có thiện ý như vậy thì cũng không cần phải lắp đặt thêm thiết bị để sàng lọc, soi xét người khác làm gì. Cứ cho vài kg gạo, lại bắt nhận diện khuôn mặt, kê khai giấy tờ thì cũng làm giảm đi nhiều ý nghĩa thiện nguyện.
Đó cũng là một luồng ý kiến đáng lưu ý. Nhưng quả thực, hiện tại, ở nhiều cây ATM, theo khảo sát của báo chí, phản ánh của người dân, số người có mức sống bình thường, không khó khăn trà trộn, tranh thủ đi lấy gạo, lấy nhiều lần là có thật.
Có người còn gửi xe SH ở xa, đi bộ vào để tránh bị phát hiện là "nhà có điều kiện" còn đi tranh đồ từ thiện. Kêu gọi lòng tự trọng ở một số người như vậy thật khó.
Cho nên, việc bắt buộc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở các cây "ATM gạo" thì quá đúng rồi. Nhưng làm sao để nhận diện, vận động những người có hoàn cảnh không đến nỗi khó khăn hãy chủ động nhường nhịn, giúp những người dân thực sự nghèo khó có gạo ăn trong những ngày này, một cách khéo léo hơn, cũng là điều nên làm.
Có câu “của cho không bằng cách cho” thì thiết nghĩ cũng rất cần những câu, ví dụ như “của nhận rất cần…. cách nhận”.
Mạnh Quân