Những bí ẩn đối với “Tây”
(Dân trí) - Tôi có những bạn Tây đã sống ở Việt Nam lâu hơn tôi nhiều nhưng không nói được lấy một từ tiếng Việt. Thực sự, tôi cho rằng nếu ai đó đã sống ở đây hơn 5 năm mà không tự gọi được một cốc "Sinh tố dừa" ở quán, người đó có vấn đề.
Cũng có thể tôi hơi "đạo đức giả". Có một ngạn ngữ phương Tây đại loại là: "Sống trong một ngôi nhà kính thì đừng có ném đá". Tôi chính là người sống trong ngôi nhà kính, vì tiếng Việt của tôi rất tệ.
Rất dễ sống ở Hà Nội hay TPHCM mà chỉ cần nói mỗi tiếng Anh. Cho dù bạn là giáo viên tiếng Anh hay một luật sư, rất dễ để tự cô lập mình trong một quả bong bóng tiếng Anh, và tuyên bố rằng tiếng Việt quá khó học. Tôi thì rất muốn tránh để rơi vào tình trạng đó.
Cho tới khi tôi chưa thể tự viết blog bằng tiếng Việt mà không cần nhờ tới người dịch, tôi cảm thấy như mình là một đứa trẻ ở Việt Nam. Không, tệ hơn thế. Trẻ con có thể diễn đạt những nhu cầu cơ bản. Còn tôi thì chưa.
Nhưng thôi thúc về ngôn ngữ của tôi không phải để viết, hay thậm chí để nói. Nguyên nhân đích thực nằm ở chỗ có quá nhiều thứ ở đất nước này vẫn là một bí ẩn đối với tôi. Những bí ẩn này nhỏ thôi, nhưng có rất nhiều. Ví dụ, tại sao nam giới ở Việt Nam có vẻ rất gần gũi với nhau: Đụng chạm, cầm tay, thậm chí ngồi lên đùi và bá vai bá cổ nhau? Nhưng, qua những gì tôi được nghe, thì "đồng tính" vẫn là một chủ đề cấm kỵ?
(Tôi đã hơi ngần ngại khi viết đến đoạn trên, vì sau bài đầu tiên của tôi, nói về việc tôi sẽ không bao giờ lấy vợ, có thể sẽ có những nghi ngờ về giới tính của tôi. Vì thế, để bổ sung thông tin, tôi xin chia sẻ thêm một chi tiết cá nhân: Tôi đã có bạn gái ở Mỹ từ hơn 11 năm nay. Điều này, giống như mọi thứ khác, sẽ phải kết thúc, cách này hay cách khác. Nhưng tôi không cho là nó sẽ kết thúc bằng một đám cưới).
Một bí ẩn khác là tôn giáo. Tôi đã nghe nhiều bạn Tây nói về việc này. Nhìn từ ngoài vào, có thể thấy đây là một đất nước Phật giáo. Nhưng có vẻ như hầu hết mọi người không thực sự theo các quy tắc Phật giáo. Qua mắt Tây, chúng tôi thấy hình như mọi người chỉ đi chùa khi họ muốn đỗ một kỳ thi, có con, hay vào những ngày đặc biệt.
Có thể đây chỉ là một sự hiểu nhầm của tôi. Nhưng trước khi tới Việt Nam lần đầu tiên, tôi đã từng ăn chay trường kỳ 17 năm liền. Tôi đã nghĩ, vì đây là một nước Phật giáo, nên việc tiếp tục ăn chay chắc sẽ không khó khăn gì. Giờ nghĩ lại, tôi buồn cười, vì tôi đã phải bắt đầu tập ăn thịt do hoàn cảnh sống đòi hỏi như vậy.
Tôi nêu ra những bí ẩn trên để nói rằng, chìa khóa để giải mã chúng, và để hiểu sâu hơn về nền văn hóa này, là phải học được ngôn ngữ.
Hiện giờ tôi đã tự tin hơn trước nhiều. Năm ngoái, tôi trở về California 6 tháng. Khi rời Việt Nam, tôi không nói được gì ngoài những con số. Khi tôi trở lại Việt Nam, một điều lạ đã xảy ra. Thỉnh thoảng có người hỏi tôi bằng tiếng Việt và, trong sự kinh ngạc của tôi, một câu trả lời hoàn chỉnh bằng tiếng Việt tuôn ra từ miệng tôi. Không phải câu gì quá khó hay quá dài, nhưng dù sao người hỏi cũng hiểu được tôi. Có vẻ như một chút tiếng Việt đã tự động thấm vào tai và vào não tôi mà tôi không biết.
Sự thực là tiếng Việt của tôi vẫn tệ, nhưng những bước tiến nhỏ như vậy khiến tôi thấy được khích lệ. Chúng khiến tôi đôi lúc tin rằng, một ngày nào đó tôi sẽ nói được tiếng Việt giỏi như Mr. Joe nổi tiếng.
Tôi sẽ cập nhật cho các bạn về sự tiến bộ cũng như những khó khăn tôi gặp phải khi học tiếng Việt. Cũng vậy, hẳn nhiều bạn Việt Nam cũng muốn học tiếng Anh và cũng gặp phải những trở ngại tương tự.
Brian