Những bàn tay “bôi bẩn” lên cả nền văn hoá!
(Dân trí) - Nếu cứ mãi loay hoay với việc tuyên truyền ở đâu, bao giờ… thì có lẽ chẳng bao giờ kết thúc được những vấn nạn này mà phải có chế tài cụ thể, nghiêm khắc và gắn trách nhiệm với những đơn vị bảo tồn, các cơ quan quản lý du lịch.
Ngày 9/11, đọc bài báo “Viết-vẽ bậy lên di tích: Làm biến dạng di tích và méo mó giá trị văn hoá” của tác giả Hà Tùng Long trên Dân trí, mới thật sửng sốt về vấn nạn này.
Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Điều đáng buồn là phần lớn các di tích này đều bị xâm hại bởi nạn “vẽ bậy”. Chỉ riêng ở Hà Nội, đi đến bất kỳ chỗ nào của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tháp Hòa Phong, Cột Cờ Hà Nội… người ta cũng dễ dàng bắt gặp đủ các thể loại nét viết - nét vẽ - nét khắc.
Nhà Lí luận - Phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình chia sẻ, trong quá trình đi khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nhiều di tích, di sản, danh thắng… trong cả nước, ông đã chứng kiến cảnh tượng, chuông, trống, tháp, tường, đá, thân cây, chậu cây cảnh, bàn ghế… trong khuôn viên di tích bị khách du lịch vẽ - viết - khắc bằng đủ loại công cụ khác nhau.
Ông Bình đặt câu hỏi với thái độ bức xúc: “Hành động vẽ, viết, khắc lên di tích là vi phạm Luật Di sản văn hoá. Vậy nhưng ở Việt Nam, đã bao nhiêu trường hợp được phát hiện và đưa ra xử lý? Đã có cơ quan quản lý nào lên tiếng gay gắt và tìm cách ngăn chặn việc này chưa? Tại sao đến thời điểm này, vấn nạn này vẫn ngang nhiên tồn tại làm nhiều di tích bị xâm phạm và biến dạng?”.
Trong khi đó, người viết băn khoăn tự hỏi, chẳng nhẽ nhu cầu “lưu danh thiên cổ”, muốn nổi tiếng bằng việc “quảng bá tên tuổi” của người Việt đến mức như thế ư? Dù xuất phát từ sự thiếu ý thức, vô tư hay kém hiểu biết thì rõ ràng những hành vi đó đều thể hiện sự vô pháp, vô văn hoá của người vi phạm.
Mới đây, dòng chữ “A.HÀO” cùng một hình vẽ hình trái tim - những ký tự gây xôn xao trên hàng loạt trang báo lớn của Nhật Bản cuối tháng 10, đầu tháng 11 này.
Trong khi truyền thông Nhật Bản đồng loạt “truy tìm” thủ phạm của 3 ký tự tiếng Latin vẽ bậy trên bức tường cổ của thành Yonago, di tích lịch sử tuổi đời hơn 500 năm của đất nước mặt trời mọc thì nhiều người Việt Nam giật mình chua chát, bởi nhìn vào rất dễ phán đoán đây có thể là chữ Việt của một người có tên Hào (các nước sử dụng ký tự Latin không có dấu).
Điều đáng nói, đây cũng là đầu tiên tại khu di tích Yonago xảy ra tình trạng du khách vẽ bậy lên các bức tường thành, bệ đá, theo tờ Mainchi.
Việc viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử là hành vi phá hoại tài sản văn hoá, bị lên án không chỉ ở Nhật Bản mà bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, riêng tại nước Nhật, luật pháp ở đây lại rất nghiêm khắc với những hành vi thiếu văn minh và vô ý thức của du khách.
Theo Luật Bảo tồn di sản văn hoá của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hoá, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng. Do chế tài nghiêm khắc này nên mặc dù tình trạng vẽ bậy lên di tích lịch sử ở Nhật vẫn xảy ra nhưng không đến nỗi tràn lan, chủ yếu xuất phát từ khách du lịch nước ngoài.
Trở lại với bài viết của tác giả Hà Tùng Long, đó không chỉ là những hành vi mang tính chất phá hoại di tích lịch sử mà còn “bôi bẩn” lên danh dự của hàng triệu người Việt, là sự xấu hổ của cả một nền giáo dục.
Nếu cứ mãi loay hoay với việc tuyên truyền ở đâu, bao giờ… thì có lẽ chẳng bao giờ kết thúc được những vấn nạn này mà phải có chế tài cụ thể, nghiêm khắc và gắn trách nhiệm với những đơn vị bảo tồn, các cơ quan quản lý du lịch. Và cũng đã đến lúc nền giáo dục cần kết thúc việc cho ra đời những “sản phẩm lỗi” như vậy. Thú thực, rất ê chề!
Bích Diệp