“Nhân văn” với người này có thể là bất công với người khác!

(Dân trí) - Nhân văn, song phải công bằng bởi hoàn toàn có thể “nhân văn” với người này là bất công với người khác. Càng không thể nhân văn với những thí sinh đã cướp đi cơ hội của bạn bè cùng trang lứa. Đối với các thí sinh bị “đánh cắp cơ hội”, cần bảo lưu kết quả cho các em. Việc các em bị chậm một năm đã là thiệt thòi quá lớn, không nên để các em “trắng tay”.

“Nhân văn” với người này có thể là bất công với người khác! - 1

Vụ việc gian lận thi cử vẫn tiếp tục nóng lên trong cả Nghị trường, Văn phòng Chính phủ và dư luận xã hội.

Ngày 24.4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo, xử lý thông tin về vụ việc.

Trước đó, ngày 23.4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có buổi làm việc với Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Công an về vấn đề này.

Chiều 24/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với 3 cá nhân trong tổ chấm thi môn tự luận tại tỉnh Hoà Bình…

Như vậy có thể nói, với yêu cầu của Thủ tướng, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an, sự việc sẽ sớm được làm minh bạch.

Về cá nhân, người viết bài này cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng bởi nó hoạt động qui mô rộng lớn, nhiều đối tượng tham gia, làm hỏng một kỳ thi quốc gia, gây bức xúc dư luận, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân đồng thời để lại hậu quả nặng nề.

Do đó, cần phải có những biện pháp nghiêm khắc trên cơ sở pháp luật để xử lý những đối tượng liên quan.

Thưa nhất, đối với các thí sinh “bị” nâng điểm, không công khai danh tính các em và “tha” chứ không có nghĩa là các em vô tội (ít nhất là đồng lõa hoặc không khai báo).

Tuy nhiên, việc buộc thôi học là dứt khoát bởi một thí sinh chỉ cần sử dụng “phao”, thậm chí vô ý đem theo điện thoại di động cũng bị buộc ra khỏi phòng thi.

Nhân văn, song phải công bằng bởi hoàn toàn có thể “nhân văn” với người này là bất công với người khác. Càng không thể nhân văn với những thí sinh đã cướp đi cơ hội của bạn bè cùng trang lứa.

Thứ hai, đối với phụ huynh, nói thẳng là không có chuyện “bốc điểm bỏ tay người” và càng không có chuyện “không biết”.

Do đó, với các đối tượng này, cần công khai danh tính đồng thời nếu là cán bộ, đảng viên trước hết xử lý theo 19 điều đảng viên không được làm, qui định về làm gương và buộc ra khỏi ngành (hoặc vị trí công tác) như tinh thần chỉ đạo vừa qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nếu có đối tượng là cán bộ cao cấp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nên vào cuộc bởi Ủy ban là địa chỉ được nhiều người dân tin cậy nhất hiện nay.

Tiếp theo đó, khi có kết luận của cơ quan công an, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý. Nếu hối lộ, xử theo tội danh đưa hối lộ. Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, xử lý theo tội danh này.

Thứ ba, với các đối tượng trực tiếp tham gia việc làm gian dối, được biết hiện cơ quan công an đã và đang tiếp tục khởi tố, mở rộng điều tra.

Thứ tư, đối với các thí sinh bị “đánh cắp cơ hội”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét bảo lưu kết quả cho các em. Việc các em bị chậm một năm đã là thiệt thòi quá lớn, không nên để các em “trắng tay”.

Về lãnh đạo các địa phương và Bộ Giáo dục Đào tạo, cần chính thức có lời xin lỗi phụ huynh, học sinh và nhân dân cả nước như ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã làm vừa qua.

Nếu hành xử nghiêm khắc vụ việc này cùng với kiện toàn phương pháp thi cử, bịt hết những kẽ hở, hi vọng rằng kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2019 sẽ suôn sẻ và tốt đẹp.

Còn nếu không, hoàn toàn vụ việc gian lận không sớm thì muộn lại có thể tái diễn.

Mong rằng với chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương, vụ việc sẽ sớm được làm sáng tỏ.

Đặc biệt là “làm đúng luật, sai đến đâu, xử lý đến đó, không có vùng cấm” như trả lời phỏng vấn PV báo Dân trí của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình.   

Bùi Hoàng Tám