“Nhân văn” nhiều khi như “chiếc chăn hẹp”!

(Dân trí) - Một khi không còn đủ năng lực để lái tàu thì hãy xuống để thay người lái khác chứ không thể vì sự yếu kém của tài xế mà làm giảm vận tốc đoàn tàu.

“Nhân văn” nhiều khi như “chiếc chăn hẹp”! - 1

Cách đây gần một thế kỉ, Nhà văn Nam Cao đã có một triết lý rất sâu sắc và thực tế: “Hạnh phúc như một cái chăn hẹp, người này co thì người kia mất phần”.

Tôi muốn mượn câu này để nói về một quyết định của UBND TP Hà Nội, theo đó qui định giáo viên dạy hợp đồng, muốn đứng lớp thì phải thi tuyển viên chức. Và nếu không đỗ, tất nhiên họ phải chấm dứt hợp đồng.

Được biết việc này sẽ được huyện Sóc Sơn đem ra thực hiện trong thời gian tới.

Điều này đã tạo sự lo lắng cho 256 giáo viên hợp đồng ở đây bởi họ hoàn toàn có nguy cơ mất việc. Nhất là với những giáo viên lớn tuổi, đã tham gia giảng dạy nhiều năm, có người lên tới 20 năm. Không ít ý kiến cho rằng đây là việc làm thiếu nhân văn, kiểu “vắt chanh, bỏ vỏ”.

Người viết bài này xin được chia sẻ sự lo ngại và rất hiểu những khó khăn của các cô giáo có thể sắp phải đối mặt. Song, đồng ý với qui định này của UBND TP Hà Nội và thậm chí còn mong muốn có một cuộc sát hạch tổng thể năng lực giáo viên trên phạm vi cả nước. Tiến tới sát hạch toàn bộ đội ngũ công chức mọi ngành nghề.

Lý do, có lẽ điều mà nhiều người cùng nhận thấy, đó là trình độ giáo viên hiện nay không ít người chưa đáp ứng với yêu cầu công việc.

Nhất là những năm gần đây, khi điểm tuyển sinh cho ngành này chỉ cần bình quân 3 điểm/môn trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học.

“Không thầy đố mày làm nên”. Thầy giỏi chưa chắc đã có trò giỏi chứ đừng nói đến thầy không giỏi.

Đối với vụ việc tại Sóc Sơn, như đã nói ở trên, người viết bài này một lần nữa xin được chia sẻ với các cô giáo. Song, việc thi tuyển viên chức là rất cần thiết bởi qua đó, sàng lọc ra những người không còn tương thích với công việc, tất nhiên phải là một cuộc sát hạch nghiêm túc, không có mục đích khác.

Trao đổi với báo chí, một số cô giáo cũng thừa nhận có những hạn chế về năng lực. Như vậy bài toán ở đây đặt ra, nếu nhân văn với các cô giáo, tức là chấp nhận sự yếu kém thì sẽ không nhân văn với các em học sinh, những “thượng đế bị cưỡng bức” và bất công với cả phụ huynh.

Có thể nói, chẳng ai muốn học hoặc con em mình phải học những thầy cô yếu kém chuyên môn.

Cuộc sống luôn luôn phát triển mà đào thải chính là cốt lõi để phát triển. Muốn không bị đào thải, tất nhiên phải nỗ lực và đến khi nào không còn nỗ lực được nữa thì phải chấp nhận.

Ở lĩnh vực nào cũng vậy, một khi không còn đủ năng lực để lái tàu thì hãy xuống để thay người lái khác chứ không thể vì sự yếu kém của tài xế mà làm giảm vận tốc đoàn tàu.

Cụ thể ở Sóc Sơn, có lẽ trước khi thực hiện quyết định này, nên tạo điều kiện để các cô giáo nâng cao kiến thức trước khi tổ chức thi, thậm chí xem xét cả việc thi các môn tin học, tiếng Anh có thực sự cần thiết cho việc giảng dạy của các cô giáo hay không? Đặc biệt, cần vận dụng tối đa mọi chính sách nếu họ bị nghỉ việc.

Tốt nhất là nếu có thể, tạo điều kiện để các cô chuyển làm việc khác nếu ai có yêu cầu bởi đây chính là trách nhiệm của xã hội, không nên “phủi tay” bởi chính ngành giáo dục đã tuyển dụng họ.

Tuy vậy, đây là việc cần phải làm bởi nhân văn với thầy cô yếu kém là thiếu nhân văn với các em học sinh và ngược lại.

“Hạnh phúc như chiếc chăn hẹp, người này co thì người kia mất phần”. Cuộc sống nhiều khi không cho chúng ta quyền để được lựa chọn phương án tốt nhất mà phải biết chấp nhận cả những phương án ít xấu nhất.

Cuộc sống luôn khắc nghiệt là vậy!

Bùi Hoàng Tám