Nhân đạo với cái xấu là vô nhân đạo với cái tốt

(Dân trí) - Xin nói ngay từ đầu là người viết bài này mỗi khi cầm bút luôn tâm niệm không được phép “dậu đổ, bìm leo” hoạc đẩy ai đó đến đường cùng, đặc biệt là với phụ nữ.

Nhân đạo với cái xấu là vô nhân đạo với cái tốt - 1

Song, với những vi phạm của “cô giáo im lặng” Trần Thị Minh Châu, giáo viên Toán, Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) thì không, bởi xuê xoa với những vi phạm nghiêm trọng của cô giáo là nhẫn tâm với thế hệ tương lai.

Nhất là khi mà hình thức kỉ luật dành cho cô Châu chỉ dừng ở mức “cảnh cáo và điều chuyển sang công việc khác” thì càng không thỏa đáng bởi mấy lý do sau.

Thứ nhất, việc im lặng suốt ba tháng của cô Châu là hình thức bạo hành tinh thần thâm hiểm và khủng khiếp như lời của bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM:

“Mọi người hãy hình dung mình về nhà mà người thân mình một ngày không nói chuyện, không nói gì đã khủng khiếp như thế nào. Ở đây, 3 tháng liền, mà có thể hơn như vậy, cô giáo lên lớp không nói gì thì các em như thế nào. Không hiểu mình lỗi gì mà cô như lại như vậy. Đó là bạo hành về tinh thần”.

Thứ hai, cô Châu đã từng có “tiền sử” về chuyện này. Trước khi bị kỉ luật, điều chuyển từ Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ về Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM), cô Châu đã từng có những ngôn từ không thể thiếu văn hóa hơn với học sinh như: "Ai sủa trong lớp?", "Ai là người thường hay sủa trong lớp?", "Phân chó mà tưởng pa tê", "giống như chó dại", "mày về uống thuốc thần kinh"…

Cô Châu cũng thường xuyên đuổi học sinh ra ngoài hành lang, thậm chí có khi đuổi gần nửa lớp đến độ thời điểm đó, ở trường còn gọi "lớp học ngoài hành lang" mà thầy hiệu trưởng trường này can thiệp cũng không được.

Thứ ba, đây là nguyên nhân quan trọng nhất, đẩy sự phẫn nộ của dư luận đến đỉnh điểm, đó là em Phạm Song Toàn buộc phải chuyển trường vì không chịu được áp lực.

Câu hỏi đặt ra là áp lực đến từ đâu? Tại sao buộc phải chuyển trường? Có hay không một thế lực người lớn nào đó chi phối trong việc tẩy chay em? Có hay không “đòn thù” ngấm ngầm từ ai đó nữa vì sợ mất thành tích hoặc bị kỉ luật?

Đáng lý ra, sau việc làm đáng khen ngợi của em Toàn, nhà trường, nhất là cô giáo Châu phải trực tiếp gặp em xin lỗi, cảm ơn và bày tỏ thiện chí đối với em. Ban giám hiệu biểu dương em trước toàn trường… Chỉ việc không làm những việc trên đã chứng tỏ sự ngoan cố có lẽ không chỉ của cô giáo này.

Nói thẳng, việc em Toàn chuyển trường là sự thất bại thê thảm của chân lý, của lẽ phải mà ở đây, không thể không có trách nhiệm của cô Châu và nhà trường.

Và phải chăng với hình thức kỉ luật “điều chuyển” kia cũng chính là sự bao che cho những khuyết điểm nghiêm trọng?

Có lẽ cũng cần nhắc lại, nếu với những vi phạm tại Trường Nguyễn Hữu Thọ trước đây, cô Châu bị xử lý nghiêm khắc thì đã không có những vi phạm vừa qua.

Nhân đạo với cái xấu, cái ác là vô nhân đạo với cái tốt, cái thiện, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám