Nhân dân lo nhất điều gì?

(Dân trí) - "Điều lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay của nhân dân là gì?" – Đây là một câu hỏi khảo sát xã hội và đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện "Năm dân vận chính quyền" 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra sáng ngày 10/1 vừa qua.

Nhân dân lo nhất điều gì?  - Ảnh 1.

Câu hỏi rất rộng và không dễ trả lời khi mà thực tế cuộc sống vẫn có quá nhiều bất cập, quá nhiều vấn đề nổi cộm cần khắc phục. Mỗi ngày khắp các mặt báo đầy ắp thông tin, còn BLOG Dân trí, thật khó khăn để chọn lựa được vấn đề nổi bật nhất để bày tỏ quan điểm, thái độ, luận bàn cùng độc giả.

Tại hội nghị nói trên, Thủ tướng cung cấp kết quả của cuộc khảo sát, cho biết có 14 điều mà nhân dân đang lo lắng. Ngoài vấn đề đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng (chiếm tới hơn 85% phản hồi) thì người dân còn cảm thấy phiền phức về thủ tục hành chính rườm rà, tình trạng tham nhũng vặt.

Thật đáng quý khi người đứng đầu Chính phủ quan tâm đến câu hỏi đó, quan tâm đến mối lo lắng, đến tâm tư, tình cảm của đại bộ phận nhân dân. Song tiếc rằng, "Quan thì xa mà bản nha thì gần".

Để những sự quan tâm ấy, những sốt sắng ấy của lãnh đạo Chính phủ chuyển hoá thành hành động, thái độ của người trực tiếp thực thi, thi hành công vụ, lại cần có thời gian, độ trễ quá dài.

"Anh có uống rượu say, có bê bối không, có phải cấp một cái giấy là một bữa nhậu không?". Thủ tướng tiếp tục đặt câu hỏi cho những người có quyền, có chức, từ những tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, bí thư chi bộ cho đến những cán bộ ở cấp cao hơn.

Một câu hỏi quá cụ thể. Liệu có ai trong số đó sẽ giật mình và tự cảm thấy hổ thẹn với lòng?!

Người dân đâu có tiếc điều gì. Hàng chục triệu con người vẫn đang ngày ngày cần mẫn làm việc, bằng chính sức lực của mình để đóng góp cho ngân sách, lấy nguồn lực nuôi bộ máy chính quyền.

Thế nhưng, bên cạnh đó, họ lại phải quỵ luỵ, phải lo lót, phải chi ra những khoản khác để đẩy nhanh tiến độ công việc, để bôi trơn quy trình.

Một bữa nhậu không đáng bao nhiêu? Một chiếc phong bì chẳng chết ai? Nếu nghĩ như thế thì thật là tai hại.

Chính những vi phạm nhỏ ấy mới khiến đạo đức công vụ của cán bộ công chức trở nên lệch lạc. Họ quen với "lệ" hơn là tuân theo "luật", để rồi ảo tưởng với quyền lực của bản thân, biến các quy định của tổ chức, của pháp luật mất đi tính nghiêm minh vốn có.

Phải nhìn nhận "tham nhũng vặt" hay là gì đi chẳng nữa, cũng không thể phủ nhận bản chất vẫn là "tham nhũng"! Muốn diệt được tham nhũng lớn thì càng phải loại bỏ được tham nhũng vặt. Chẳng phải tham nhũng vặt đang "nuôi" tham nhũng lớn và khiến công cuộc chống tiêu cực càng trở nên phức tạp, rối rắm, khó khăn hơn hay sao?

Cho nên có thể nói, trong tất cả những nỗi lo của người dân, nếu giải toả được mối lo "tham nhũng", quan cũng như dân, ai cũng có thể làm việc đúng với phận sự, trách nhiệm của mình… thì sẽ chẳng có gì mà không thể tháo gỡ và giải quyết.

Lúc đó, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh…" cũng là điều tất yếu, đương nhiên!

Bích Diệp