Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ "tờ giấy lộn chết người"
(Dân trí) - Tôi đã đọc để rồi phẫn nộ bởi không hiểu vì sao, chỉ vì cái lợi nhất thời của bản thân, họ có thể xem thường tính mạng bản thân và sức khỏe của cộng đồng đến vậy?
Báo Dân trí đưa tin, chiều ngày 11/8, Công an thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) phá một đường dây làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức. Nơi làm giả giấy tờ này là chi nhánh một công ty chuyên về in ấn, quảng cáo do Trần Tấn Dương (SN 1987, trú tại tỉnh Đồng Tháp) làm giám đốc.
Điều hết sức phẫn nộ là "sản phẩm" làm giả của vị giám đốc 34 tuổi này là phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 test nhanh và phiếu kết quả xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR âm tính của một bệnh viện tư nhân.
Theo lời khai của Trần Tấn Dương, do nắm bắt được nhu cầu của công nhân và các lái xe đường dài, lái xe cho các công ty trong các khu công nghiệp cần có phiếu xét nghiệm Covid-19 để đi lại và vào làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, Dương nghĩ cách làm giả phiếu xét nghiệm Covid-19 để bán kiếm lời.
Là giám đốc một công ty thiết kế, in ấn, việc làm giả giấy xét nghiệm đối với Trần Tấn Dương không phải là khó. Trong khi đó, sự tinh vi qua các công đoạn "sản xuất" giấy xét nghiệm khiến các cơ quan chức năng không dễ dàng để phát hiện thật, giả.
Đến thời điểm bị bắt, Dương đã bán khoảng 200 "phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính" cho khách hàng.
Tất nhiên, vị giám đốc này bán bao nhiêu phiếu kết quả xét nghiệm và thu lợi bất chính bao nhiêu tiền, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm rõ. Và tin chắc rằng, mọi hành vi gây hại cho kết quả thực hiện cuộc tổng tấn công với dịch bệnh Covid-19 hiện nay sẽ được xử lý một cách nghiêm khắc theo pháp luật hình sự.
Đương nhiên, có cung mới có cầu. Số phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính kia theo lời khai của ông giám đốc là chủ yếu bán cho công nhân. Mỗi kết quả test nhanh có giá 150.000 đồng, xét nghiệm PCR được bán 250.000 đồng.
Thực ra, mức giá 150.000 đồng/phiếu kết quả test nhanh không phải là rẻ, thậm chí còn đắt hơn số tiền tôi thực hiện xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An. Vậy, người ta "mua đắt" để làm gì?. Chắc chắn không phải để tiết kiệm chi phí làm xét nghiệm rồi. Mua giấy xét nghiệm để đỡ tốn công sức, thời gian xếp hàng chờ lấy mẫu tại các trung tâm, các bệnh viện đang quá tải chăng?.
Trước đó, ngày 8/8, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã triệt phá một đường dây làm giả và mua bán phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 với sự tham gia của 9 đối tượng. Cầm đầu đường dây này là một tài xế xe tải ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đã có nhiều tài xế khác mua phiếu kết quả xét nghiệm giả này để đi qua chốt kiểm dịch các tỉnh.
Tôi không dám nghĩ đến trong số hàng trăm người đã mua phiếu kết quả âm tính giả kia nhỡ một vài trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 thì hậu quả sẽ như thế nào. Phẫn nộ với hành vi kiếm tiền bất chấp của người làm giả phiếu kết quả xét nghiệm bao nhiêu thì tôi cũng thấy buồn cho những người đã mua "tờ giấy lộn chết người" ấy bấy nhiêu.
Theo quan điểm cá nhân người viết, những người đã mua, sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm giả này phải được xem xét vai trò đồng phạm đối với hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Cuộc chiến chống Covid-19 không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm cũng như cần sự chung tay, góp sức của tất cả chúng ta. Và cũng xin nhắc lại rằng, virus SARS-CoV-2 cũng sẽ không trừ một ai cả, dù người giàu, kẻ khó, giám đốc hay công nhân lao động...
Trong cuộc chiến mang tính chất sống còn này, sự chủ quan, ý thức kém của bất kỳ ai đều sẽ phải trả giá, trước hết là bằng chính sức khỏe và tính mạng của mình.