Người dân Thủ đô đang chờ đợi gì ở Bí thư Đinh Tiến Dũng?
(Dân trí) - Ngày 02 tháng 04 năm 2021, Bộ Chính trị đã trao Quyết định số 35-QĐNS/TW phân công ông Đinh Tiến Dũng giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
(Cây cầu L3 đã bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: V.Đ)
Đây là lần thứ ba liên tiếp, người đứng đầu tổ chức Đảng của Thủ đô đều là những nhà kinh tế. Trước ông, ông Vương Đình Huệ là giáo sư kinh tế và trước ông Huệ, Thạc sĩ kinh tế Hoàng Trung Hải khi là Phó Thủ tướng cũng phụ trách kinh tế.
Có sự trùng hợp là nếu ông Hoàng Trung Hải và ông Chu Ngọc Anh đều là cựu sinh viên Bách khoa thì ông Huệ và ông Dũng đều là cựu sinh viện của Học viện Tài chính và đều có thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tâm sự của mình trong bài "Cam kết của ông Đinh Tiến Dũng khi nhậm chức Bí thư Hà Nội - Vietnam Net ngày 03.4", Bí thư Đinh Tiến Dũng xác định:
"Hà Nội có vị thế đặc biệt quan trọng, là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế, là động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, TP vì hòa bình, TP sáng tạo".
Đây chính là thách thức và cũng là điều người dân Thủ đô nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đặt nhiều hi vọng vào vị tân Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhất là khâu phát triển kinh tế. Nói như thế không có nghĩa là coi nhẹ các lĩnh vực khác bởi Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa…
Nếu như mà đói nghèo thì khó có thể có được một nền văn hóa phong phú, cũng khó có "lễ nghĩa" bởi cũng lời người xưa "Phú quý sinh lễ nghĩa".
Tất nhiên, cũng không hẳn nghèo thì không có "lễ nghĩa" và càng không phải cứ giàu mới có "lễ nghĩa". Do vậy, yêu cầu đặt ra là cho cả hai, kinh tế và văn hóa.
Vậy thì cụ thể, người dân Thủ đô đang chờ đợi gì ở tân Bí thư Đinh Tiến Dũng?
Theo người viết bài này trước hết, đời sống chính trị ổn định, mọi nguyện vọng chính đáng của người dân được tôn trọng, thực sự là "Thành phố Hòa bình".
Về văn hóa, Hà Nội xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng an"…
Về kinh tế, phấn đấu là đầu tầu của cả nước mà mục tiêu trước mắt là kéo gần khoảng cách phát triển với TP Hồ Chí Minh. Về môi trường, xứng đáng là "Thành phố xanh, sạch đẹp". Về khoa học kỹ thuật, là đầu não trung tâm của cả nước.
Tuy nhiên, điều mong muốn trước mắt là bài toán về qui hoạch, giao thông và môi trường.
Qui hoạch Thủ đô hiện nay rất có vấn đề, môi trường thì luôn ở mức đáng báo động, giao thông ùn tắc là điều thường xuyên… Cụ thể hơn, ngày khánh thành công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn "hãy đợi đấy" và con đường Vành đai 2,5 vẫn "ở thì tương lai", trong đó, đoạn Đầm Hồng - Giải Phóng với chiều dài chỉ 2,1km nhưng 19 năm qua vẫn "ngổn ngang trăm mối tơ vò"…
Cuối cùng, hi vọng rằng với "đội hình" Bí thư Thành ủy là Nhà kinh tế, Chủ tịch UBND là Nhà khoa học (TS Chu Ngọc Anh nguyên là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ), những vị lãnh đạo tài năng và giàu kinh nghiệm, người dân Thủ đô nói riêng, đồng bào cả nước nói chung sẽ sớm được hướng về Hà Nội với niềm tin yêu và hi vọng!