Nghĩ về sự quyết liệt của một Chính phủ liêm chính

(Dân trí) - Những hình thức kỉ luật được ban hành ngay trước thềm năm mới đã thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ đồng thời cũng thể hiện sự quyết liệt mà một Chính phủ liêm chính phải trải qua và đó là điều cần thiết bởi không thể vì niềm vui, nỗi buồn của vài ba người mà làm vơi bớt niềm vui của cả dân tộc, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Khi bạn đọc bài viết này là chỉ còn ít giờ nữa, đất nước sẽ bước sang một năm mới Đinh Dậu nhiều hứa hẹn trong mọi lĩnh vực. Năm Bính Thân 2016 đã đi qua với hai sự kiện trọng đại, làm nền tảng cho sự phát triển hôm nay và cả mai sau. Đó là thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng và cuộc bầu cử Quốc hội XIII và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tuy chưa đầy một năm, đã cảm nhận rất rõ sự đổi thay theo chiều hướng đi lên từ bộ máy quản lý Nhà nước mà tiêu biểu ở đây chính là những hoạt động sôi động của Chính phủ.

Gần một năm qua, Chính phủ đã làm hết sức mình để xây dựng hình ảnh của một Chính phủ liêm chính, hành động, nói đi đôi với làm, biết lắng nghe dân và coi trọng kỉ cương.

Có lẽ vì thế, vào thời điểm cuối cùng của năm Bính Thân, sau khi Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng thì ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 24/1/2017 thi hành kỷ luật bằng hình thức tương tự đối với ông Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Tiếp ngay sau đó là Quyết định số 107/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Cùng thời điểm này, xung quanh vụ Formosa, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng ban hành quyết định về kỉ luật Đảng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015 – 2020, đồng thời về chính quyền là giáng chức, điều động sang đơn vị khác đối với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung và thi hành kỷ luật hai Trưởng phòng, một Phó trưởng phòng thuộc Tổng cục Môi trường bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo, điều động sang đơn vị khác làm việc.

Những quyết định kỉ luật nghiêm khắc ngay trước thềm năm mới trên có lẽ là hi hữu, song đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận bởi nếu đối với Chính phủ, là thực hiện cam kết xây dựng một Chính phủ liêm chính, nói đi đôi với làm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì với Bộ Tài nguyên và Môi trường, là thực hiện lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà khi trả lời phỏng vấn báo Dân trí ngày 13/11/2016 bên hành lang Quốc hội về sự cố Formosa, đó là “làm rất kỹ, có sự thống nhất và công bố cho toàn dân, không né tránh, che đậy, tất cả sẽ làm và làm tới đâu công bố công khai tới đó”.

Đây còn có thể nói là hành động quyết liệt đến khốc liệt, song một Chính phủ liêm chính phải là một Chính phủ thưởng phạt nghiêm minh. Ai có công được tưởng thưởng xứng đáng, ai sai phạm, phải bị xử lý nghiêm khắc.

Trong trường hợp đối với ông Vũ Huy Hoàng, là những sai phạm về công tác tổ chức thì đối với bà bà Hồ Thị Kim Thoa là khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.

Đối với Tổng Cục phó Tổng cục Môi trường, dù Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng với các bộ ngành, nhà khoa học nỗ lực đấu tranh quyết liệt, trực diện buộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phải thừa nhận là đối tượng trực tiếp gây ra sự cố, nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, bồi thường thiệt hại đồng thời tiến hành các biện pháp khắc phục sự cố, song không thể không có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước mà ở đây là Tổng cục Môi trường.

Nếu trong vụ Trịnh Xuân Thanh, hàng loạt cán bộ cao cấp cả Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và nhiều thứ trưởng, vụ trưởng bị kỷ luật với hình thức khá nghiêm khắc thì đối với sự cố Formosa, không thể không có ai chịu trách nhiệm.

Vì thế, việc thi hành kỉ luật đối với các cán bộ trên là tất yếu và bình thường. Nhất là đối với một Chính phủ liêm chính, quyền lợi và quyền lực luôn gắn liền với trách nhiệm mỗi cá nhân.

Cho nên đối với cả hai sự việc trên, dù Chính phủ và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã nghiêm khắc, song dư luận vẫn còn cho là còn hơi nhẹ, đặc biệt là với sai phạm xung quanh vụ Trịnh Xuân Thanh như lời của nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương: “Tôi cho những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng là nặng lắm”.

Những hình thức kỉ luật được ban hành ngay trước thềm năm mới đã thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ đồng thời cũng thể hiện sự quyết liệt mà một Chính phủ liêm chính phải trải qua và đó là điều cần thiết bởi không thể vì niềm vui, nỗi buồn của vài ba người mà làm vơi bớt niềm vui của cả dân tộc, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám