Nghĩ về phát biểu "thẳng băng" của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
(Dân trí) - “Đại biểu Quốc hội còn kê khai nhà cửa không chính xác, nói gì nhân dân”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói như vậy khi giải trình trước Quốc hội về sự thiếu chính xác của các con số thống kê.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Với những câu hỏi có phần gay gắt của các đại biểu như ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng “dư luận luôn băn khoăn tính xác thực của số liệu thống kê như GDP hàng năm; tỷ lệ thất nghiệp; số liệu doanh nghiệp và lao động qua đào tạo... ", ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) dẫn thực tế nhiều nơi vì mục đích kêu gọi đầu tư đã đưa ra số liệu không chính xác, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đề nghị có quy định cấm hành vi ép buộc làm sai lệch thông tin thống kê quốc gia…
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) còn đề nghị "cấm làm đẹp số liệu, làm đẹp báo cáo để chống lại bệnh thành tích” đồng thời kiến nghị Tổng cục Thống kê nên tách ra khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốt nhất là trực thuộc Quốc hội để đảm bảo khách quan, minh bạch và Tổng cục Thống kê phải chịu trách nhiệm về các số liệu…
Trả lời những câu hỏi của các đại biểu trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: "Các con số thống kê của chúng ta không đến mức méo mó như nhiều người đang nghĩ. Tôi là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT và nghĩ rằng tôi không chỉ đạo ai làm méo mó con số thống kê cả. Các phương pháp thống kê mà chúng ta sử dụng là những phương pháp được thế giới thừa nhận".
Song, về nguyên nhân khiến các con số thống kê trở nên “méo mó”, Bộ trưởng Vinh đã thẳng băng: "Ngay kê khai về nhà cửa, nhiều đại biểu ngồi ở đây kê khai còn không chính xác nói gì là nhân dân. Điều đó nói lên đầu vào không chính xác nên số liệu không chính xác. Ở nước ngoài số liệu sai là họ xử lý rất nặng, xử lý hình sự ngay. Cho nên cái khó là do thể chế của chúng ta, ai cũng bệnh thành tích"- ông Vinh nói.
Tiếc thay, điều ông Vinh nói lại… đúng và đúng một cách rất đau xót khi mà “nhiều đại biểu ngồi ở đây kê khai còn không chính xác nói gì là nhân dân”.
Vâng! Nếu ĐB Quốc hội không trung thực, sao đòi hỏi sự trung thực ở cử tri? Bởi sự đòi hỏi như vậy là vô lý, là bất công…!
Để dẫn đến kết luận này, có lẽ Bộ trưởng Vinh nhớ đến một con số ai từng nghe qua cũng nhớ, đó là chỉ có 4 người gian dối/gần 1 triệu đối tượng thuộc diện kê khai tài sản.
Có lần khi nói về điều này, ĐB Dương Trung Quốc đã chua chát thốt lên rằng, nhìn bản kê khai tài sản của các cán bộ công chức và đại biểu mà… xót xa bởi hầu hết đều ở nhà nhà tập thể, tiền bạc hầu như không đáng kể. Rồi ĐB Quốc than đầy “hài hước”: “Cán bộ mà còn… nghèo thế thì dân giàu sao được?”.
Nói “hài hước” bởi có thể ông Quốc biết, cán bộ ta đa số đều không “nghèo khổ” đến mức ấy. Thậm chí, nhiều người còn giàu, rất giàu.
Không giàu, sao có nhà lầu, xe hơi (tất nhiên trong bản kê khai, thường đấy là tài sản của vợ, của con, thậm chí của “cô em kết nghĩa” tặng, gửi, nhờ…). Nghèo sao có tiền cho con cái du học ở những nước đắt đỏ mà chi phí hàng trăm, thậm chí cả tỉ đồng/năm?
Thế nhưng nhiều cán bộ công chức vẫn mang tiếng là… nghèo, thương thế!
Chẳng lẽ “sự dối trá” đã len lỏi vào cả cơ quan quyền lực cao nhất, đó là Quốc hội?
Cho nên mình rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Vinh: "Phải có chế tài xử lý vi phạm hành chính, hoặc pháp luật hình sự về cung cấp số liệu. Các đại biểu đều biết là rất nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì, nhà của họ toàn đứng tên con cái, mà thậm chí là đứng tên con cái cũng không khai nữa". Và mình đề nghị hãy công khai tài sản của cán bộ, công chức thuộc đối tượng kê khai để dân giám sát.
Nói cho cùng, những “con số ma”, “con số ảo”, “con số đẹp” mà nói như Bộ trưởng Vinh là “không chính xác” nó đều bắt đầu từ sự thiếu trung thực mà thiếu trung thực cũng có thể hiểu là dối trá mà đã gian dối thì tất nhiên, phải “có chế tài xử lý vi phạm hành chính, hoặc pháp luật hình sự” như quan điểm của Bộ trưởng Vinh, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám