Nghĩ về những người không biết “mùi” thưởng Tết

(Dân trí) - Đâu cũng vậy thôi, làm công chức Nhà nước hay “làm ngoài” – là người lao động ai cũng muốn được ghi nhận và trả công xứng đáng. Lương, thưởng không chỉ là giá trị vật chất mà đi kèm với sự tôn trọng, động viên…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Còn khoảng 5 tuần lễ nữa là đến Tết Đinh dậu và vỏn vẹn hơn 1 tuần để chính thức bước sang năm 2017.

Cô Nguyễn Linh, 27 tuổi, vẫn đều đặn lên lớp. Cô dạy văn tại một trường cấp 2 công lập huyện miền núi, tỉnh Nghệ An. Không như nhiều người khác, cô không chờ thưởng Tết. “Năm nào cũng vậy, tụi em được công đoàn hỗ trợ 200 nghìn. Đó là tất cả khoản Tết mà các thầy cô ở đây đều được nhận, ngoài lương”, cô giáo Linh nói.

Không chỉ Linh, hàng nghìn, hàng triệu người làm trong ngành giáo dục, quân đội… đều chỉ nhận mức thưởng Tết như vậy, thậm chí thấp hơn. Điều này nếu so sánh với mức thưởng tết hàng trăm triệu đồng tại các doanh nghiệp tư nhân quả là khập khiễng.

Nhưng rõ ràng, làm cho Nhà nước hay tư nhân, làm công chức hay doanh nghiệp, sức lao động cũng đều tính bằng mồ hôi, nước mắt, bằng sự đánh đổi sức khỏe và cả tuổi thanh xuân. Mà tréo ngoe thay, lương thưởng chênh nhau một trời một vực. Điều gì làm nên vô lý đó?

Bao nhiêu năm nay chúng ta bàn mãi, than mãi với nhau về đồng lương “còi cọc” không đủ sống của cán bộ, công chức Nhà nước. Nhưng ngân sách nào có thể nuôi nổi cả chục triệu con người hưởng lương, mang tính chất hưởng lương như hiện tại?

Bộ máy cồng kềnh, phình to, không hiệu quả đặt ra yêu cầu phải tinh giản cho gọn nhẹ. Vậy là, cái mà người ta gọi là đặc quyền của công chức: “sự ổn định”, cũng không còn. Lương thấp cũng một phần vì hàng vạn công chức nhà nước đã chấp nhận đánh đổi rất nhiều cơ hội tốt hơn để lấy “sự ổn định” về mặt danh nghĩa. Để rồi, sự “ổn định” đó kéo theo sự nặng nề, trì trệ của cả một bộ máy hành chính, công quyền.

Trong bộ máy đó, có người “chạy” được vào biên chế nhưng rủi không có việc nên sáng đến tối chỉ pha trà rót nước cũng lương hàng chục triệu đồng, lại có người tốt nghiệp đại học, làm quần quật lương tháng không nổi 3 triệu. Có bao nhiêu công chức cống hiến cả đời, chắt bóp không mua nổi căn nhà ngoại ô thành phố và không ít lãnh đạo để công ty thua lỗ trăm, nghìn tỷ vẫn thăng chức, xe này, nhà nọ đều đều… Dễ hiểu thôi! Lương thấp nên người ta mới sinh ra trăm phương ngàn kế “dụng công vi tư”, bòn rút tiền Nhà nước - tham ô, hối lộ một phần cũng từ đó sinh ra…

Bây giờ, khi Nhà nước dần xác định lại chức năng của mình và trả lại xã hội những gì vốn dĩ thuộc về tư nhân, theo thời gian, những bất cập nói trên dần sẽ được khắc phục. Chỉ có điều, chắc còn phải mất một thời gian rất dài, những người như cô giáo Linh mới nâng cao được mức sống. Và rất lâu nữa để những người vô dụng, thừa thãi thì bị đào thải, người hiểu việc, cần cù được ghi nhận và trọng dụng.

Chia lương, thưởng Tết là một biểu hiện cụ thể của sự ghi nhận. Ngay cả tại những công ty tư nhân, không phải bao giờ người lao động thấp cổ bé họng cũng được ghi nhận xứng đáng. Có những đơn vị, thưởng cuối năm đơn giản là một thủ thuật kế toán cắt xén bớt đi phần lương anh em trong năm được hưởng, cuối năm cho truy hoàn lại. Lại có công ty bòn rút sức lao động người làm nhưng tìm đủ mọi cách để trừ điểm, trừ thi đua, trừ lương, cắt thưởng… chẳng những không khuyến khích mà còn làm người lao động chán nản.

Nên nếu lãnh đạo nào mà thắc mắc mãi chẳng hiểu sao nhân viên lũ lượt bỏ đi thì nên chăng cần hiểu rằng, chẳng phải nhân viên rời bỏ công ty mà chính là rời bỏ sếp!

Đâu cũng vậy thôi, làm công chức Nhà nước hay “làm ngoài” – là người lao động ai cũng muốn được ghi nhận và trả công xứng đáng. Lương, thưởng đi kèm với sự tôn trọng, động viên.

Còn tất nhiên, đối với những kẻ cố tình ngồi sai vị trí, thích làm việc nhẹ, lương cao thưởng đậm thì đã chẳng nói làm gì!

Bích Diệp