Nghĩ về hành trình “trả nợ dân” của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
(Dân trí) - Giải quyết hồ sơ tồn đọng chưa bao giờ là dễ khi mà hồ sơ, giấy tờ gốc không còn; người giao nhiệm vụ, người biết sự việc và làm chứng đã mất,... thì con số hơn 2.000 liệt sĩ và 2.600 thương binh được xác nhận mà phần đa là từ thời kỳ chống Pháp thật ý nghĩa dẫu cho có muộn mằn.
(Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm và tặng quà Mẹ Việt nam Anh hùng tại Thái Bình.)
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý ngàn đời của dân tộc đồng thời cũng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là từ khi ngày 27/7 hàng năm trở thành Ngày Thương binh Liệt sĩ.
Song, có thể nói chưa bao giờ công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công được quan tâm và thu được những thành quả như hiện nay trên mọi lĩnh vực. Vì sao có sự thành công này?
Như đã nói ở trên, trước hết, đó thuộc về truyền thống của dân tộc và chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Song, sẽ là thiếu công bằng nếu như không xét đến hai yếu tố rất quan trọng, đó là tác động của sự phát triển kinh tế và vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
Thứ nhất, về sự phát triển về kinh tế. Người xưa có câu “Phú quý, sinh lễ nghĩa”. Khi điều kiện kinh tế khó khăn, dù biết đấy nhưng “Cái khó bó cái khôn”, dẫu có muốn thì cũng chỉ là mong muốn.
Những năm gần đây, kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt đã tạo nhiều thuận lợi để thực hiện sứ mệnh cao cả này.
Thứ hai, không thể không nói đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thể hiện ở hai yếu tố: Tấm lòng và cách làm sáng tạo.
Về tấm lòng, còn nhớ ngày đầu nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh, Xã hội Đào Ngọc Dung nói “chúng ta còn nợ dân rất nhiều”. Và từ đó, Bộ trưởng đã bền bỉ “trả nợ” cho lời hứa của mình. Đây là nghĩa vụ và bổn phận không chỉ của cá nhân ông, của Ngành LĐTBXH mà là của nhân dân cả nước.
Về cách làm sáng tạo, một mặt Bộ đã tiếp tục làm dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng bản, xóm thôn với sự tham gia của toàn xã hội. Đây có thể được coi là thành công lớn nhất của ngành LĐTBXH những năm qua.
Mặt khác, Bộ LĐTBXH kiên trì đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017, một quyết định then chốt, làm cơ sở pháp lý để từng bước giải quyết hồ sơ tồn đọng xác định người có công.
Có thể nói, Quyết định 408 chính là “bước ngoặt” nhắm hướng tới giải quyết dứt điểm vấn đề nan giải này. Đặc biệt là với những hồ sơ mà đối tượng mất cách đây 50 -70 năm còn tồn đọng như câu chuyện về Liệt sĩ Nguyễn Năng Viện, xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là một ví dụ điển hình.
Ông Viện mất ngày 22/02/1952. Sau gần 70 năm, Liệt sĩ Viện đã được trở về với gia đình và đồng đội trong sự khắc khoải mong chờ, thất vọng rồi lại mong chờ, hy vọng rồi lại thất vọng, để rồi vỡ òa trong niềm vui xúc động.
Những nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận tại Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 468 liệt sĩ ngày 22.7 vừa qua tại Vĩnh Long.
“Đây là kết quả đáng biểu dương của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan, địa phương, cũng như sự tham gia tích cực của nhân dân trong quá trình xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng, là việc làm thực sự có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và nhân văn”.
Những lời khen tặng ấy thật xứng đáng bởi giải quyết hồ sơ tồn đọng chưa bao giờ là dễ khi mà hồ sơ, giấy tờ gốc không còn; người giao nhiệm vụ, người biết sự việc và làm chứng đã mất,... thì con số hơn 2.000 liệt sĩ và 2.600 thương binh được xác nhận mà phần đa là từ thời kỳ chống Pháp thật ý nghĩa dẫu cho có muộn mằn.
Xin ghi nhận đóng góp của ngành LĐTBXH, ghi nhận đóng góp của cá nhân Tư lệnh Ngành và mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của toàn xã hội để giúp ông sớm hoàn thành lời hứa “trả nợ dân” như ông từng trăn trở:
“Nhiều gia đình liệt sĩ còn đau đáu vì chưa tìm được hài cốt của con, em mình đã hy sinh. Nhiều liệt sĩ còn chưa xác định được danh tính và chưa được quy tập về yên nghỉ với đồng đội với quê hương đất mẹ. Chúng ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước”
Bùi Hoàng Tám