Nghĩ về “công thức vàng”: Tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh!

(Dân trí) - Không biết bao giờ cái lẽ đời đơn giản: Sai thì sửa, có lỗi thì nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm mới trở thành nề nếp tất yếu trong bộ máy công quyền?

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Những dòng chữ trên băng rôn, bảng biển như: “Hãy chia sẻ lối đi với chúng tôi vì TP. Đà Nẵng thân thương”, “Xin lỗi vì chúng tôi đã làm phiền”, “Rất xin lỗi khi thi công chúng tôi làm ảnh hưởng đến mọi người”… bỗng trở thành một “hiện tượng lạ”, góp phần hóa giải những bức xúc của người dân TP Đà Nẵng những ngày qua. Chợt nghĩ về sự xin lỗi hiện nay.

Thực ra, việc xin lỗi nhân dân không phải là mới. Cách đây  gần 60 năm, trước những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng nhận lỗi trước nhân dân.

Gần đây, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, TBT Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ chính trị, Ban bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn Dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước.

Ngày 17/4 vừa qua, khi chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cán bộ công chức phải biết “4 xin” đối với người dân. Đó là: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép.
 
Mới đây nhất, tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp sáng 28/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã xin lỗi nhân dân vì để khó khăn trong việc nộp thuế. “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân”. Thủ tướng nói.

Có thể nói, việc xin lỗi nhân dân mỗi khi có những sai lầm, thiếu sót không xa lạ với các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và cả Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Thế nhưng tiếc thay, càng xuống cấp dưới thì hành động này càng ít đi, thậm chí là không ít cán bộ chưa một lần xin lỗi dân vì những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém của mình.

Phải chăng những cán bộ thừa hành đó không có lỗi?

Nếu thật sự như vậy, chúng ta dã không có nền hành chính “hành dân là chính” và nhiều, rất nhiều những tiêu cực, bức xúc như hiện nay.

Vả lại trong đời, có thể khẳng định không ai là không có lỗi ít nhất là một số lần.

Thế nhưng họ (các cán bộ công chức thừa hành) đã không, dù chỉ một lần xin lỗi nhân dân.

Vì sao vậy?

Trước hết là bởi họ không đủ tri thức để nhận biết lỗi lầm và một khi biết là có lỗi, họ không đủ bản lĩnh để thừa nhận, thậm chí không ít cán bộ công chức cho rằng việc xin lỗi dân vì những sai lầm của mình là hành động… yếu thế, mất oai!

Đó là chưa kể đến tâm lý của không ít cán bộ công chức luôn bám chặt vào cái “công thức 8 chữ vàng", đó là “Tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh”.

Khi có chút công lao, họ không ngần ngại “tô thắm” cho bản thành tích cá nhân. Khi mắc tội, họ kiên quyết chối bỏ và khi mắc lỗi, họ tìm cách đổ lỗi sang cho khách quan, cơ chế… và đồng nghiệp. Trong trường hợp không thể “chối tội, đổ lỗi”, họ lại tìm mọi cách để thanh minh.

Chính cái nếp nghĩ, cái tư duy “8 chữ vàng” đó đã ăn sâu vào đội ngũ công chức nên việc một số đơn vị thi công công trình công cộng ở Đà Nẵng căng băng biển, khẩu hiệu xin lỗi nhân dân đã khiến người dân…  xúc động!

Tất nhiên, điều mong muốn của người dân là không có ai mắc lỗi để phải “xin” nhưng thực tế thì không ai  có thể “nắm tay từ tối đến sáng”. Vì vậy, việc xin lỗi người dân khi mắc lỗi của các cơ quan công quyền và cán bộ công chức rất đáng được ghi nhận, chí ít là tại thời điểm hiện nay.

Không biết bao giờ cái lẽ đời đơn giản: Sai thì sửa, có lỗi thì nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm mới trở thành nề nếp tất yếu trong bộ máy công quyền?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!