Nghĩ tiếp về việc Cà Mau, Đà Nẵng trả lại xe cho doanh nghiệp
(Dân trí) - Không biết có nên nhắc lại hàng loạt những câu thành ngữ kim – cổ, Đông - Tây nói về bản chất của hiện tượng này như: "Ông mất chân giò, bà thò chai rượu", "Thả con săn sắt, bắt con cá rô", "Không có bữa trưa nào miễn phí", “Bên trong chiếc mồi thơm là cái lưỡi câu”, "Miếng fomat cho không chỉ nằm trong bẫy chuột"…?
Những ngày qua, dư luận bày tỏ sự bất bình về việc Cà Mau và Đà Nẵng nhận xe “tặng” của doanh nghiệp. Cụ thể, Cà Mau nhận 2 xe ô tô sang trọng trị giả 6 tỉ đồng, Đà Nẵng nhận 1 xe trị giá hơn 1,3 tỉ đồng (dư luận cho rằng chiếc xe đó giá thị trường khoảng trên 2,5 tỉ đồng). Đến thời điểm này, các địa phương trên đã phải trả lại cho doanh nghiệp.
Thật ra, việc hai địa phương trên trả xe hình như không phải bởi nhận thức được sự đúng sai mà bởi sức ép của dư luận, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Từ nay, các bộ, ngành, các địa phương sẽ không nhận quà tặng đắt tiền từ doanh nghiệp”.
Việc trả lại xe cho doanh nghiệp cũng đã từng có tiền lệ từ Bộ Công thương khi trả lại chiếc xe Mercedes E250, quà tặng của ông Mai Văn Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội. Tiếp đó, là Ninh Bình cũng trả lại xe doanh nghiệp tặng. Đây là việc làm đáng ghi nhận bởi biết sai đã tự giác sửa chữa một cách nghiêm túc, thành khẩn.
Song, đối với việc trả lại xe của Cà Mau và Đà Nẵng vừa qua, hình như chưa thấy có sự tự giác đáng khen ngợi trên.
Đối với Cà Mau, khi bị dư luận lên tiếng, họ vẫn “bao biện” bằng cách “lách luật”, “núp bóng” Quyết định 64/2017 khi cho rằng việc nhận những chiếc xe trên là đúng bởi để “phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng…”. Liệu có hợp lý không khi phòng chống thiên tai, lụt bão lại sử dụng loại xe sang trọng như thế?
Song, đối với Đà Nẵng thì việc trả lại xe còn có vẻ “miễn cưỡng” hơn.
Đó là sau khi báo chí phát hiện,ông Đào Tấn Bằng, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng còn cho rằng việc báo chí đưa tin "không chỉ làm ảnh hưởng đến lãnh đạo địa phương, mà còn tác động đến hình ảnh thành phố và người dân Đà Nẵng”.
Dù đã trả xe rồi nhưng cũng rất mong Đà Nẵng giải thích rõ, việc thông tin này đã "làm ảnh hưởng đến lãnh đạo địa phương" như thế nào? Cũng như "tác động đến hình ảnh thành phố và người dân Đà Nẵng" ra sao? Và giờ đây, việc trả lại xe có “làm ảnh hưởng đến lãnh đạo địa phương" và "tác động đến hình ảnh thành phố và người dân Đà Nẵng” hay không?
Thứ hai, theo Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết: “Mặc dù việc nhận xe ô tô của thành phố Đà Nẵng phù hợp với các quy định hiện hành và trước thời gian chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, song thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, sau khi thảo luận và thống nhất tại phiên họp ngày 3/3, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Văn phòng Thành ủy tiến hành ngay các thủ tục chuyển trả chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi hiệu Toyota mang biển kiểm soát 43A-29999 hiện do Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng quản lý mà doanh nghiệp tặng”.
Đọc nội dung trên, cho thấy Đà Nẵng trả lại xe là bởi thực hiện "ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ", còn về pháp lý "việc nhận xe ô tô của thành phố Đà Nẵng phù hợp với các quy định hiện hành".
Nếu cho rằng "đúng với qui định hiện hành", liệu Đà Nẵng có dũng cảm giữ chiếc xe đó lại dù có chỉ đạo của Thủ tướng? Đà Nẵng cũng nên giải thích rõ về nguồn gốc chiếc xe, sự trùng hợp của hai biển kiểm soát (có một chiếc xe trắng cũng mang biển số 43A-29999) và cả “cơ may” nào mà chiếc xe lại có biển “tứ quý 9”, một con số được nhiều người coi là “số đẹp”…
Thực tình, Đà Nẵng nói gì thì nói, bản chất sự việc vẫn không thay đổi và sự phản ứng của dư luận những ngày qua không sai. Có khi, càng nói càng “lộ” ra bởi người xưa có câu: "Đường đi hay tối, nói dối hay cùng". Nên thấy sai thì nhận rồi khắc phục, sửa chữa, đừng để "Cái sảy, nảy cái ung".
Không biết có nên nhắc lại hàng loạt những câu thành ngữ kim – cổ, Đông - Tây nói về bản chất của hiện tượng này như: "Ông mất chân giò, bà thò chai rượu", "Thả con săn sắt, bắt con cá rô", "Không có bữa trưa nào miễn phí", “Bên trong chiếc mồi thơm là cái lưỡi câu”, "Miếng fomat cho không chỉ nằm trong bẫy chuột"…?
Cho nên, việc Thủ tướng chỉ đạo “Từ nay, các bộ, ngành, các địa phương sẽ không nhận quà tặng đắt tiền từ doanh nghiệp” là chính xác bởi đất nước dù nghèo nhưng không để các cán bộ, công chức phải “ngửa tay” ra nhận quà cáp đắt tiền từ doanh nghiệp.
Thứ nữa, khó có thể có sự “vô tư, trong sáng” giữa người cho và người nhận một khi ở đó là hàng loạt các ràng buộc, giăng mắc có tên và không tên không chỉ quá khứ, hiện tại mà cả tương lai. Nhận quà của người ta, sau này nếu người ta mắc lỗi, nó khó xử sòng phẳng với nhau lắm. Vả lại, hình ảnh cán bộ, công chức đi xe của doanh nghiệp tặng sẽ ít nhiều phản cảm trong mắt người dân.
Tóm lại, một Chính phủ liêm chính là không có nhận “quà tặng đắt tiền” từ doanh nghiệp như lời của Thủ tướng, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám