“Nghỉ hè”: Đừng để chỉ có trong từ điển!

(Dân trí) - Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) định nghĩa “nghỉ hè” là “nghỉ vào mùa hè trong một thời gian nhất định, sau khi kết thúc một năm học”. Nếu xét vậy thì quả thực là có những đứa trẻ ở Việt Nam không hề có kỳ nghỉ hè!

“Nghỉ hè”: Đừng để chỉ có trong từ điển! - 1

Mùa hè đến, dù các em đó không phải đến trường học chính khóa thì lại bị bố mẹ hối hả cho đi học thêm các môn văn hóa, học các môn ngoại khóa, hay thậm chí đi học khóa kỹ năng sống kéo dài hàng tuần. Gia đình này nhìn sang gia đình kia rồi đua nhau “lùa” con đi học mà chẳng biết con có ưng không. Chỉ cần biết rằng con đi học hè thì bố mẹ mới yên tâm!

Vậy là với các em đó, kỳ nghỉ hè đúng theo nghĩa đen là chỉ có trong từ điển.

Giữa “trào lưu” nóng bỏng cho con đi học hè thì chia sẻ của một bà mẹ ở Tây Ninh như một làn gió mát rượi. Trong bài viết “Năm nay, tôi quyết định cho con nghỉ hè thực sự” đăng trên mục Giáo dục, báo điện tử Dân trí, bà mẹ Loát Trần kể rằng năm nay chị quyết định cho con “nghỉ hè thực sự”, hàng tuần hai con trai của chị có thể đi bơi, đi đá bóng, đi thả diều... cùng bạn bè trong xóm. Riêng thứ bảy và chủ nhật, các con sẽ đến Trung tâm học tập cộng đồng của xã để đọc sách báo.

Bên cạnh đó, hai cháu còn được mẹ cho tập trải nghiệm làm “nông dân” khi trồng rau trên mảnh đất trước sân nhà. Hàng ngày, các con cùng mẹ chăm sóc vườn rau nhỏ. Chị Loát Trần không ngờ, các con lại hào hứng và vui vẻ đến thế. Cậu con trai thứ hai của chị còn bảo khi trồng rau mới biết thương các bác nông dân vất vả. Nghe con nói, chị vô cùng xúc động.

Bài viết giản dị của chị Loát Trần đã nhận được sự hưởng ứng rầm rộ của đông đảo bạn đọc báo điện tử Dân trí. Đọc bài viết này, rất nhiều bạn đọc ước ao các phụ huynh khác cũng cho con mình được nghỉ hè.

Và cũng thật là một tín hiệu vui khi có một số phụ huynh cho biết họ cũng cho con được nghỉ hè thực sự như chị Loát Trần.

Bạn đọc Tuanpham cho hay: “Con tôi được nghỉ hè là cũng phải cho về quê với ông bà chơi ít nhất cũng phải 1 tháng. Vừa trải nghiệm cuộc sống giản dị với nhiều công việc thú vị của quê hương và được gần gũi ông bà, anh em họ hàng chứ không chúng lại không biết họ hàng mình ra sao. Và cũng như ngày xưa còn bé, cái tuổi thơ gắn với thời gian nghỉ hè là rất ý nghĩa. Nói chung là tôi không ép con phải học nhiều...”.

Một bạn đọc khác, ông bố Nguyễn Đình Chiểu kể rằng: “Con tôi năm nay vào lớp 5, từ lớp 1 đến lớp 4 không năm nào cho con học thêm bất cứ môn nào, kỳ nghỉ hè cả cho chơi “tẹt ga”. Chỉ quán triệt rằng bố mẹ cho con chơi thoải mái nhưng khi vào học chính thức con phải cố gắng. Vậy là con tự hình thành ý thức “chơi ra chơi, học ra học”, cuối năm vẫn được học sinh xuất sắc (không hề có chuyện “đi” thầy cô)”.

Thậm chí bạn đọc Minh Ngọc Lê còn chia sẻ “thâm niên” cho con nghỉ hè suốt hơn chục năm: “Con tôi từ nhỏ cho đến khi vào Đại học Y đa khoa, tôi không cho học thêm bất cứ môn nào. Phụ huynh chúng ta chỉ cần quan sát và nhắc nhở cho các cháu học hành đúng đắn là tốt rồi. Phải cho các cháu có một kì nghỉ đúng nghĩa như nghỉ hè mà ngày xưa chúng ta đã tận hưởng. Chỉ đến những lúc cần thiết thì mới cho các cháu ôn và học thêm, chẳng hạn như những năm chuyển cấp và thi đại học thì mới thực sự cần thiết cho các cháu.”

Thiết nghĩ, nếu có thêm nhiều hơn nữa các ông bố bà mẹ “can đảm” quyết định cho con được hưởng kỳ nghỉ hè sau một năm học vất vả, chắc hẳn chúng ta sẽ có thêm nhiều đứa trẻ được thoải mái làm trẻ con trong kỳ nghỉ hè mà tưởng như đó là đặc quyền của tuổi thơ!

Còn bạn, hỡi các bậc phụ huynh, bạn có sẵn sàng cho con có một mùa hè đúng nghĩa không?

Nguyên Chi