Nghe dân, không nghe... "nhóm" ?

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, hôm 8/8, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasuco) đã ra nghị quyết về việc hủy thầu với nhà thầu Xinhxing (Trung Quốc) để cung cấp đường ống nước sạch và phụ kiện (CCOG-09) cho dự án cấp nước sông Đà giai đoạn 2. Nhưng liệu đó có phải là chủ ý của Viwasuco?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đáng tiếc đây chỉ là việc làm chẳng đặng đừng của Viwasuco. Bởi trước đó, do những phản ứng mạnh mẽ của dư luận, lo lắng trước việc lại có thêm một nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đường ống nước sạch sông Đà thứ 2, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và cả Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư tạm dừng ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp ống và phụ kiện cho dự án để nghiên cứu, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan đến dự án.

Ở đây, chỉ có thể "khen" chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền Hà Nội và Bộ Xây dựng vì họ đã quan tâm đến ý kiến của dân. Và cái sự quan tâm ấy, cũng chẳng phải là động thái có tính dân tuý mà thực tế, đã có những bằng chứng cho thấy, việc Công ty Xingxing trúng thầuvới giá thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt thực sự là có nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Bởi vì, đã có những cảnh báo, đường ống dẫn nước bằng gang dẻo đó có tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân như trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Giảng - chuyên gia luyện kim, Nguyên hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội đã cảnh báo (trả lời báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh ngày 23/3/2016). Hay chuyên gia Đào Quốc Hưng, Trưởng phòng Hoá hữu cơ, Viện Hoá học cũng đã nói:"Nếu phát hiện trong mẫu gang ấy có thành phần của chì thì đó là thành phần không cho phép"....

Do đó, ở đây, không chỉ là biết quan tâm ý kiến của dân, lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Hà Nội, của Bộ Xây dựng cũng đã cân nhắc nhiều yếu tố về pháp lý, khoa học khác, để kiến nghị hủy thầu, tránh một nguy cơ đường ống nước sạch thứ 2 lại xảy ra sự cố, vỡ ống đã gần 20 chục lần như đường ống thứ nhất mà không phải lo ngại có sự kiện cáo của nhà thầu trên. Ai cũng hiểu, nếu lại thêm một đường ống kém chất lượng nữa, chắc chắn sẽ gây nên bất ổn lớn cho đời sống người dân Thủ đô.

Cùng thời gian này, việc UBND tỉnh Quảng Ninh cũng mới kiến nghị Chính phủ cho tỉnh này tự lo vốn đầu tư cho dự án tuyến đường bộ cao tốc Móng Cái- Vân Đồn, thay vì phải đi vay tới 300 triệu USD từ một ngân hàng Trung Quốc theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của người dân. Một khảo sát nhanh của Dân trí vừa qua với trên 52.300 độc giả tham gia đã cho thấy có tới 99,78% độc giả không tán thành vay vốn ODA của ngân hàng Trung Quốc. Ở đây, sự lựa chọn của tỉnh Quảng Ninh (cũng được Chính phủ chấp thuận) cũng rất hợp lý bởi theo tính toán của tỉnh này, nếu chờ hoàn tất các thủ tục vay ODA, dự án trên sẽ bị kéo dài, bất lợi cho việc điều hành kinh tế-xã hội của tính, chứ chưa nói đến yếu tố nhà thầu

Với cả 2 câu chuyện khá "nóng" trên, dư luận đã cảm thấy vui mừng và tin tưởng vì bước đầu, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh, của Bộ Xây dựng và trên hết là của Chính phủ đã thể hiện sự cẩn trọng và có quyết định sáng suốt sau khi đã lắng nghe dân, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, giới chuyên môn.

Tất nhiên, Chính phủ hoàn toàn hiểu rằng , bất cứ sự phân biệt, đối xử nào về hàng hoá, dịch vụ với một quốc gia sẽ đều không đúng nguyên tắc về hội nhập, với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng việc tự lực cánh sinh để thực hiện các dự án quan trọng, việc siết chặt các qui định, điều kiện về đấu thầu, xây dựng để lựa chọn ra đối tác có uy tín, giàu kinh nghiệm mới là hành động khôn ngoan.

Còn nếu như chỉ nghe các chủ đầu tư, thậm chí là một bộ, một ngành không thôi, với những dự án có tầm quan trọng như vậy, rõ ràng là không đủ. Một loạt các công trình lớn trước nay: Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án xe buýt nhanh Hà Nội, Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (Ethanol)..., toàn những đại công trình với số vốn đầu tư lên tới hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ, có cái đang thi công trì trệ, có dự án đang "đắp chiếu", có dự án đã phá sản... Tất cả đã cho thấy sự thất bại khi những người ký quyết định thực hiện đã không chú ý đến những ý kiến phản biện cho các dự án, công trình này.

Và nếu đằng sau những tờ trình cho các dự án đó, có dấu vết của "lợi ích nhóm" thì rõ ràng, việc thiếu lắng nghe tâm tư, ý kiến của người dân, thiếu lắng nghe các ý kiến phản biện, chỉ nghe "nhóm" đã dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại mà ai cũng dễ dàng "tai nghe, mắt thấy" ở những siêu công trình, dự án nói trên.

Mạnh Quân