Ngân sách, túi tiền doanh nghiệp và chống dịch

Bích Diệp

(Dân trí) - Đây là những bài toán mang tính sống còn xét cả về vĩ mô lẫn vi mô, có mối liên quan, liên hệ chặt chẽ với nhau. Song về cơ bản, đều cần một tư duy chính sách mạch lạc, biện pháp rõ ràng và khoa học.

Ngân sách, túi tiền doanh nghiệp và chống dịch - 1

Các hiệp hội nước ngoài nhấn mạnh việc "các doanh nghiệp đều cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ" (Ảnh: Nguyễn Quang).

Cách đây ít ngày, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói thẳng thực trạng hiện nay, đó là ngân sách nhà nước rất khó khăn. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp cũng đang cực kỳ khó, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa.

Thu ngân sách trong 8 tháng qua dù rằng vẫn tăng, thu nội địa ước đạt trên 820.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ nhưng nguồn thu chủ yếu do sự đột biến tại các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô. Trong khi đó, những ngành then chốt của nền kinh tế là sản xuất và dịch vụ ở nhiều địa phương, nhiều thời điểm gần như "đóng băng" hoặc chỉ hoạt động với phân nửa công suất.

Sự hỗ trợ của Nhà nước từ vốn cho đến chính sách thuế, lãi suất… đều đáng quý, nhưng điều doanh nghiệp mong mỏi nhất vẫn là được hoạt động trở lại - và xin nhấn mạnh là hoạt động trong một điều kiện an toàn.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI sáng 22/9, đại biểu HĐND Phạm Đình Đoàn cho rằng, để đảm bảo sản xuất kinh doanh, đầu tư thì các doanh nghiệp, tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào việc chống dịch của thành phố và chịu ảnh hưởng rất nhiều vào các quyết định của thành phố.

Vị đại biểu doanh nhân này cho biết, tổn thất của doanh nghiệp trong thời gian khoanh vùng diện rộng rất lớn và đề nghị khoanh vùng hạn chế. Nhu cầu "mở cửa", "nới giãn cách" để phục hồi sản xuất không chỉ cấp thiết với doanh nghiệp nội mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng sốt ruột.

Amcham (Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ), EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc) và US-ABC (Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean) cũng đã có kiến nghị lên Thủ tướng cho rằng, đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi khi các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.

Tuy nhiên, "mở" và "nới" như thế nào, ở mức độ ra sao lại không thể tùy tiện. Điều này cần tính toán và cần cơ sở chứ không phải để xảy ra tình trạng "ong vỡ tổ" ngày gỡ giãn cách trong khi rủi ro mầm bệnh vẫn còn.

Ông Phạm Đình Đoàn đề nghị thành phố cần triển khai tối đa việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong công tác phòng, chống dịch, như: khai báo điện tử, sử dụng mã QR, hệ thống tiêm chủng vắc xin… bởi những điều này đều nằm trong "chương trình dài hạn".

Còn phía các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ quan điểm "vắc xin là chìa khóa" để nền kinh tế tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế, đồng thời đặt câu hỏi về "một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi sẽ được điều phối như thế nào giữa các bộ/ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận, đi lại một cách nhất quán khi áp dụng hệ thống vắc xin điện tử".

Như vậy, để nới lỏng giãn cách, dần đưa nền kinh tế trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới không phải là không có cách nếu áp dụng khoa học công nghệ. Hơn nữa, giữa các cấp, các ngành và các địa phương cần có sự thống nhất chung chứ không phải là mỗi nơi một kiểu, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Sự ổn định là lợi ích chung, là sự an toàn của người dân, thu nhập của người lao động, là túi tiền doanh nghiệp và ngân sách của quốc gia. Điều này đòi hỏi sự xông xáo, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và các ngành các cấp, nhưng cũng cần cả ý thức người dân. Không ai ngoài cuộc!