Ngẫm về vẻ đẹp “thuần Việt”
(Dân trí) - Nhân Việt Nam đang tổ chức thi hoa hậu, Joe có những chia sẻ của riêng mình về vẻ đẹp “thuần Việt” và vẻ đẹp “Tây” mà báo chí thường nhắc tới.
Tôi không tin quá nhiều vào quá trình tổ chức các cuộc thi hoa hậu. Nhưng tôi vẫn đọc các bài liên quan. Đó là sức mạnh của báo chí và là mặt yếu của đàn ông tò mò.
Ở Bắc Mỹ, các cuộc thi hoa hậu (cũng như âm nhạc, thể thao v.v.) thường là cuộc thi “người vs. người”. Tyra vs. Cindy. Rooney vs Drogba. Dewyze vs. Bowersox. Xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, nên báo chí phải tìm yếu tố cá nhân trong mọi cuộc thi để làm thỏa mãn sự khát khao đó.
Xã hội Việt Nam dường như có hơi khác. Các cuộc thi hoa hậu có vẻ như không phải “người vs. người” mà “vẻ đẹp vs. vẻ đẹp”. (“Cái tôi” bị đẩy xuống chăng?) Cụ thể là “vẻ đẹp thuần Việt” vs. “vẻ đẹp hiện đại”.
Nói cách khác, không phải “cầu thủ vs. cầu thủ” mà là “đội vs. đội” – “lối chơi phản công của Đức” vs. “lối chơi giữ bóng của Tây Ban Nha”...
Tôi thấy điều này thú vị. Xã hội tôi không còn giữ khái niệm “vẻ đẹp thuần Tây”. Gần nhất là khái niệm “classic Hollywood beauty” (Vivian Leigh, Katherine Hepburn, v.v.) nhưng khái niệm đó cũng đã mất. Bây giờ là người vs. người. Từng người một, từng vẻ đẹp một.
Nếu có một thí sinh da màu đăng quang trong một cuộc thi hoa hậu tại Mỹ, báo chí sẽ không nói “vẻ đẹp da màu lên ngôi!”. Báo chí sẽ tập trung vào cá nhân em đó.
Còn ở Việt Nam “Vẻ đẹp thuần Việt lên ngôi” là loại tiêu đề bình thường.
Đẹp hiện đại hay giống Tây da trắng?
Thế nào là vẻ đẹp thuần Việt? Thế nào là vẻ đẹp hiện đại? Trước khi sang Việt Nam tôi chỉ biết so sánh phụ nữ đẹp và phụ nữ “chưa biết làm đẹp”. Vậy làm thế nào để so sánh phụ nữ Việt Nam đẹp truyền thống và phụ nữ Việt Nam đẹp hiện đạị?
Đọc báo, tôi thấy trong nhiều trường hợp “vẻ đẹp hiện đại” đồng nghĩa với “gương mặt khá Tây”. Ví dụ, báo chí Việt Nam hay dùng từ “hiện đại” khi nhắc vẻ đẹp của Mai Phương Thúy: “Cá tính, bản lĩnh và sở hữu một vẻ đẹp hiện đại… đó là những gì mà báo chí đã viết về chị.” (Dan Tri)
Nhưng cứ một tác giả dùng từ “hiện đại” là có “tác giả” khác dùng từ “khá Tây”- “Nhưng tới năm 2006, Mai Phương Thúy với sự tự tin của tuổi trẻ, gương mặt khá ‘tây’ với chiều cao và chỉ số hình thể tầm ‘quốc tế’, đã giành chiến thắng…(2! Sao)”
“Vẻ đẹp hiện đại” có khi nghe nhẹ nhàng hơn “vẻ đẹp Tây” (cũng như “tiền bồi dưỡng” nghe nhẹ nhàng hơn “tiền hối lộ”) nhưng trong nhiều trường hợp hai cái là một.
Phân tích thêm, tôi thấy trong nhiều trường hợp “gương mặt khá Tây” đồng nghĩa với “gương mặt khá giống gương mặt của phụ nữ Tây da trắng” (tất nhiên phải loại đẹp). Với nhiều người Việt Nam, “kiểu Tây” có nghĩa là “kiểu Tây da trắng”. Nhưng đó là chủ đề khác.
Vậy tôi sẽ kết luận như sau: “vẻ đẹp hiện đại” theo cách dùng của nhiều người Việt Nam có thể hiểu là “vẻ đẹp có chất giống giống vẻ đẹp của phụ nữ Tây da trắng”. Có khi đó chỉ là một nửa sự thật nhưng trong một bài viết ngắn như thế này một nửa sự thật là quá đủ.
Còn “thuần Việt” thì sao?
Tôi là đàn ông da trắng nên tôi rất hiểu phụ nữ da trắng đẹp ra sao. Đối với tôi, điều thú vị hơn là vẻ đẹp thuần Việt. Tôi không phải đàn ông thuần Việt nên tôi chưa hiểu phụ nữ thuần Việt đẹp ra sao.
Để thực hiện bài này tôi đã hỏi nhiều người bạn về khái niệm vẻ đẹp thuần Việt của họ. Mỗi người một ý, không khác gì tôi hỏi về diện mạo của… con ma!
- Con ma trông giống người thật
- Không không, con ma trông như quái vật
- Không không, con ma trong suốt
- Không không, con ma trong mờ!
Nhiều người nhắc cái mũi, nhiều người nhắc cái miệng, nhiều người chỉ nói: “Nhìn là biết!”. Vậy tôi sưu tập 4 tấm ảnh của 4 người phụ nữ báo chí hay nói sở hữu vẻ đẹp thuần Việt.
Thế là đủ. Vẻ đẹp thuần Việt là vẻ đẹp chung của 4 em đó (mà không phải Mai Phương Thúy). Còn mặt mũi ra sao tôi sẽ để các chuyên gia trả lời trong phần bình luận.
Vẻ đẹp nào lên ngôi?
Hiểu sơ sơ về hai “đội đẹp” đó, tôi muốn chuyển sang câu hỏi khác. Trong các cuộc thi hoa hậu bây giờ vẻ đẹp nào dễ lên ngôi nhất?
Tôi nghĩ vẻ đẹp hiện đại.
Một cuộc thi hoa hậu tổ chức ở Việt Nam bây giờ sẽ có nhiều hoạt động khá hiện đại. Các thí sinh phải mặc bikini tự tin, phải làm chủ sân khấu, phải nói tự nhiên trước đám đông, phải đẩy cái tôi lên lên lên.
Tôi nghĩ một thí sinh “trông hiện đại” mà làm những việc “vốn hiện đại” đó sẽ thuyết phục khán giả. Khán giả sẽ (vô thức?) thấy hợp lý. Không chênh lệch, không mâu thuẫn.
Còn một thí sinh “đậm chất Việt Nam” sẽ khó xử hơn. Cảnh các thí sinh được lăng xê là sở hữu vẻ đẹp thuần Việt (Ta) mặc bikini và tạo dáng tự tin (Tây) tôi thấy là cảnh có bản chất hơi giống bài hát “Em trong mắt tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường. Không quần jean giày cao gót, em chọn riêng mình em áo dài, duyên dáng... Lời thì ủng hộ cách ăn mặc truyền thống của người Việt (Ta) trong khi nhạc nền và giai điệu đậm chất R&B (Tây).
Ngược lại, sáng thứ hai xem buổi tập của Đoàn Chèo Hà Nội sẽ thấy nhiều “em” mặc jean giày cao gót nhưng lại chọn riêng mình nhạc cổ truyền, đậm đà.
Đơn giản các thí sinh “thuần Việt” phải thể hiện theo cách hiện đại của cuộc thi. Nguyễn Đức Cường dựng bài “Em trong mắt tôi” cho đàn bầu và trống chầu thì chưa chắc giới trẻ đã nghe. Nghệ sĩ chèo đi siêu thị mặc trang phục diễn thì…chết cười.
Một thí sinh “hiện đại” chỉ cần thể hiện theo cách hiện đại là phù hợp (kể cả trả lời phần thi ứng xử theo cách hiện đại nhiều người sẽ thích!). Nhưng một thí sinh “thuần Việt”, mặn mà, đằm thắm, được báo chí lăng xê là “đại điện của vẻ đẹp ngày xưa”…phải tìm một cách thể hiện khéo léo hơn, đủ hiện đại để tham gia, đủ truyền thống để chiến thắng. Điều đó không dễ.
Không dễ nhưng vẫn làm được. Nghe Nguyễn Đức Cường kết hợp nhạc R&B và lời “V&N” tôi thấy hay. Mặc áo thun có hình Vũ Trọng Phụng đi sàn nhảy tôi thấy xì-tin. Ăn bún bò Nam bộ với chai bia Guiness tôi thấy ngon.
Và tôi thấy nhiều đứa con lai trông rất xinh.
Joe