Nếu tham nhũng được “khen ngợi” thì đó là bi kịch của đạo lý!
(Dân trí) - Nếu một khi những kẻ gian dối, những hành vi gian dối không những không bị khinh bỉ mà còn được “khen ngợi” thì đó là bi kịch cho một nền đạo lý.
Có thể nói trước cả khi Luật Phòng chống ra đời (2006), tham nhũng đã trở thành mối bức xúc trong đời sống xã hội. Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã có nhiều biện pháp cũng như sáng kiến phòng chống tệ nạn này.
Song, phải nghiêm túc nhìn nhận, dù đã đạt được một số kết quả, công cuộc này vẫn chưa thành công như mong muốn. Những vụ tham nhũng sau thường tinh vi hơn, trị giá tài sản lớn hơn, số lượng đông hơn, có tính “tổ chức” hơn các vụ trước.
Những ngày qua, vấn đề này lại tiếp tục làm nóng nghị trường trong phiên Quốc hội thảo luận về Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Có lẽ cũng nên hiểu tham nhũng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, mọi quốc gia. Lòng tham chính là thuộc tính của con người và nó cũng là thuộc tính của quyền lực. Song, kiềm chế lòng tham, chống lại lòng tham cũng chính là thuộc tính tất yếu để giữ bản sắc con người, để duy trì và củng cố quyền lực.
Một cá nhân muốn giữ được phẩm giá thì phải chế ngự được lòng tham. Một thể chế muốn tồn tại và phát triển cũng vậy.
Để chế ngự lòng tham mà cụ thể là phòng chống tham nhũng, luật pháp phải điều chỉnh để thứ nhất - không thể tham nhũng, thứ hai - không dám tham nhũng và thứ ba - không muốn tham nhũng.
Nhìn vào thực tế nước ta hiện nay, có cảm giác cả ba khâu đều chưa đạt yêu cầu. Đối với khâu thứ nhất “không thể tham nhũng”, có lẽ do hệ thống pháp luật của ta chưa hoàn chỉnh, cơ chế còn nhiều kẽ hở khiến “con voi chui lọt lỗ kim”.
Đối với khâu thứ hai – không dám, có lẽ hình phạt cho tội danh này còn nhẹ, nặng về kiểm điểm, cảnh cáo… rút kinh nghiệm và tới đây, luật qui định nếu nộp ¾ tài sản sẽ không bị tử hình đối với tội danh này.
Đối với khâu thứ ba – không muốn, công bằng chế độ lương cơ bản hiện nay còn thấp, chưa đảm bảo đời sống tối thiểu. Vì thế gân đây, Thủ tướng Chính phủ cho biết đang nghiên cứu phương án tăng lương công chức để chống tham nhũng vặt.
Song, theo người viết bài này, điều đáng lo ngại hơn và có lẽ cũng hơi… “đặc biệt”, đó là dư luận xã hội đối với loại tội danh này.
Nói về bản chất, tham nhũng là trò gian dối, là ăn cắp của công, rất đáng bị lên án và khinh bỉ.
Thế nhưng thực tế, những người giàu có mà không ít người trong số đó tài sản có được là do tham nhũng lại rất vênh vang, tự phụ, cho mình là “tài”, là “giỏi” hơn người khác. Càng đáng buồn hơn, lo ngại hơn là trong mắt một số người, họ không những không bị coi thường, coi khinh mà ngược lại, còn được… “coi trọng”.
Trở lại phiên thảo luận nói trên, đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, vấn đề phòng chống tham nhũng chưa bao giờ “nóng” như giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn Dân đều xác định đây là quốc nạn, là giặc nội xâm cần phải chống một cách triệt để.
“Tuy nhiên, 10 năm qua thi hành luật, giống như xây lò nhưng củi to, củi ướt chưa cháy được. Vậy sửa luật này phải sửa, gia cố để đảm bảo củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô đều phải cháy”. Ông Chiến nói.
Theo người viết bài này, đây là ý kiến đúng nhưng có lẽ để công cuộc phòng chống tham nhũng hiệu quả, ngoài việc thực hiện triệt để ba không: “Không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không muốn tham nhũng” và “củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô đều phải cháy” thì cần tạo sức ép từ dư luận lên án và khinh bỉ hành vi tham nhũng.
Tóm lại, chúng ta tôn trọng, kính trọng những người làm giàu nhờ bàn tay, khối óc của mình còn với những ai sở hữu khối tài sản khủng mà không rõ nguồn gốc dù pháp luật chưa “sờ” tới thì ít nhất, họ cũng không đáng được coi trọng.
Nếu một khi những kẻ gian dối, những hành vi gian dối không những không bị khinh bỉ mà còn được “khen ngợi” thì đó là bi kịch cho một nền đạo lý.
Bùi Hoàng Tám