Nếu lấy gỗ dâu làm trụ cột, đất nước sẽ về đâu?

(Dân trí) - Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trong bức thư đầy tâm huyết gửi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính mới đây đã góp ý rằng: “Dụng nhân như dụng mộc”. Gỗ lim thuộc nhóm gỗ tốt thì dùng làm trụ cột; tre, nứa thì làm phên dậu. Phải lấy gỗ lim làm cột cái và ngược lại, không thể lấy gỗ dâu làm cột trụ.

Nếu lấy gỗ dâu làm trụ cột, đất nước sẽ về đâu? - 1

Thế nhưng, theo ông Vân, “trên thực tế, chúng ta đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc phân loại, nhận diện và sử dụng cán bộ”, nói cách khác là dùng sai người, đặt sai vị trí.

Có lẽ cũng vì lẽ đó mà thật trùng hợp thay, trong khi đăng tải ý kiến của ông Lê Thanh Vân thì đồng thời, báo Dân trí cũng có rất nhiều title bài phản ánh về những bất cập về vấn đề đạo đức, tư cách của người làm cán bộ Nhà nước thuộc nhiều địa phương.

Có thể kể đến: “Kỷ luật Phó Chủ tịch huyện mắc nhiều sai phạm trong việc cấp sổ đỏ” tại Đắk Nông; “Chủ tịch hội phụ nữ dùng bằng giả đi học” ở Gia Lai; “Sai phạm hơn 1 tỷ đồng trong dự án giảm nghèo” cũng ở Gia Lai; “Cách chức Chủ tịch xã mắc nhiều sai phạm tài chính” tại Thanh Hóa… và mới đây nhất, Bí thư phường bị bắt vì tội đánh bạc ở Hà Nội…

Chỉ trong một vài ngày mà có nhiều vụ việc tiêu cực bị phát hiện và xử lý! Thật không biết nên vui hay nên buồn. Nên vui vì có vẻ như công cuộc phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và có kết quả, hay nên buồn vì hóa ra, trong hệ thống bộ máy Nhà nước lâu nay có nhiều bất cập, nhiều những nhân sự “lọt sàng” do bổ nhiệm lỏng lẻo đang diễn ra?

Không “lọt sàng” sao được khi tiêu chí bổ nhiệm, như chính đại biểu Lê Thanh Vân cũng đã có lần nói thẳng, người ta đã loại bỏ yếu tố “trí tuệ” ra ngoài để ưu tiên lựa chọn “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ” và “đồ đệ”.

Có như thế thì những cụm từ như “con ông cháu cha”, “nhóm lợi ích”, “ô dù”… mới tồn tại và trở nên phổ biến. Có như thế thì mới sinh ra tâm lý “xin việc”, “chạy việc” khi vào làm cơ quan Nhà nước chứ không đơn thuần chỉ là tham gia ứng tuyển, thi tuyển.

Nói đâu xa, Trịnh Xuân Thanh từng khiến dư luận một thời gian sửng sốt vì tốc độ thăng tiến thần tốc, đường quan lộ đẹp như mơ, bất chấp di sản ông này để lại trên cương vị cũ là khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng, là “nhấn” cả một con tàu doanh nghiệp hùng mạnh chìm trong nợ nần, bế tắc.

Rồi cách đây không lâu, dưới áp lực của dư luận, con trai một cựu Bộ trưởng bị mất chức vì được bổ nhiệm sai quy trình.

Đó là những trường hợp bị phát hiện và đã phải trả giá. Tuy nhiên, cũng còn đó rất nhiều những vụ việc khác, dù báo chí đã vào cuộc, dư luận đã lên tiếng đấu tranh, song kết quả vẫn là một dấu hỏi lớn. Như vụ bổ nhiệm thần tốc Trần Vũ Quỳnh Anh vào Sở Xây dựng ở Thanh Hóa, độc giả vẫn còn khắc khoải: bà này hiện đang ở đâu? Vụ này rốt cuộc sẽ xử lý thế nào? Những người liên đới có chịu trách nhiệm gì hay không?

Trong câu chuyện bổ nhiệm này, thú thực, người viết không quá nặng nề về “4C” hay “ngũ ệ”. Nếu “4C”, “ngũ ệ” đủ tiêu chuẩn, đủ tài, đủ đức và được lựa chọn khách quan, cạnh tranh bình đẳng với những ứng viên khác để vào bộ máy và thăng tiến thì cũng không nên có cái nhìn khắc nghiệt và định kiến với họ. Chỉ có điều trên thực tế, những trường hợp như thế không nhiều.

Vấn đề cốt lõi của “dụng nhân như dụng mộc” nằm ở chỗ, khi dùng sai người, sai vị trí, chuyện không đơn thuần chỉ là mất cơ hội cho người tài mà hệ lụy để lại nhiều lúc rất khó lường. Một người có địa vị mà không có phẩm chất, chuyên môn sao có thể đưa ra được những quyết sách đúng đắn, sao có được những quyết định mang lại lợi ích chung? Một lãnh đạo tồi, tập thể làm sao vững? Cứ nhìn vào những đại án kinh tế, những dự án thua lỗ, kém hiệu quả… thì thấy, nguyên nhân sâu xa không gì khác ngoài vấn đề con người.

Cho nên, như ông Vân đã hiến kế rất đúng rằng: muốn bộ máy vững thì phải nhận diện được người tài và phải dùng họ vào đúng mục đích. Khi đã nhận diện sai thì tất cả những vấn đề về sau khó mà đúng được. Quan trọng hơn nữa, quan chức cũng phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc trước pháp luật, nếu không đáp ứng được nhu cầu của Nhà nước, hoặc bất tài thì đều phải bị bãi chức.

Bích Diệp