Nếu không có họ, nhân loại này có thể đã diệt vong!

(Dân trí) - Giữa những ngày cả nước gồng mình chống lại dịch Covy – 19 thì cũng là lúc nền y học Việt Nam đón nhận hai tin vui và điều thú vị, trùng vào dịp kỉ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.

Nếu không có họ, nhân loại này có thể đã diệt vong! - 1

Tin vui thứ nhất, chúng ta đã bước đầu khống chế thành công dịch Covy -19. Tính đến thời điểm hiện tại, đã qua 11 ngày, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm mới nào. Tất cả 16 bệnh nhân dương tính đã khỏi bệnh và xuất viện.

Thành công bước đầu này là công sức của cả nước. Song, công đầu thuộc về các thầy thuốc Việt Nam. Họ là những người đứng nơi “hòn tên, núi đạn”, “lửa bỏng, nước sôi”, không quản ngại gian lao, vất vả và hoàn toàn có thể hi sinh cả tính mạng mình vì lây nhiễm.

Nhắc lại sự kiện cách đây 17 năm (2-2003), đại dịch SARS hoành hành tại nước ta. Bệnh viện Việt - Pháp được chọn làm trung tâm nghiên cứu và chữa trị. Một trong những bác sĩ hàng đầu trực tiếp khám và điều trị là Tiến sĩ Carlo Urbani.

Thật đau xót, trong quá trình cứu chữa, ông đã bị lây nhiễm căn bệnh này và đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11 giờ 45 ngày 29-3-2003.

Sau 45 ngày, ngoài 6 thầy thuốc tử vong, đại dịch SARS được khống chế mà không một dân thường nào thiệt mạng.

Giờ đây, tại một góc nhỏ nơi Bệnh viện Việt - Pháp, ít ai biết về cái miếu nằm lặng lẽ thờ 6 y, bác sĩ trong và ngoài nước đã mất trong cuộc chiến này.

Thông tin thứ hai vô cùng phấn khởi thuộc về các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.  Ngày 24.2.2020,  GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc và GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện 108 đã công bố thành công ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Theo báo Dân trí, bệnh nhân được ghép là anh Phạm Văn Vương, 31 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội). Cách đó 4 năm, anh Vương bị tai nạn do máy đột dập khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái gây dập nát, biến dạng hoàn toàn, buộc phải cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay.

Thành công của ca ghép này được báo chí và giới y khoa nước ngoài đánh giá rất cao đồng thời như lời GS.TS Mai Hồng Bàng: “Thành công này mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người bệnh không may bị mất đi chi thể”.

Xin cảm ơn các Thầy thuốc Việt Nam và các thầy thuốc trên toàn thế giới.

Trong một xã hội, tất cả các nghề đều cao quý, đều đáng trân trọng vì đã đem lại cho thế giới này cuộc sống thì riêng nghề y còn đem lại cho chúng ta “sự sống”.

Nếu không có họ, lịch sử thế giới sẽ khác và nếu không có họ, nhân loại này có lẽ đã diệt vong.

Có lẽ bởi vậy mà ở Việt Nam xưa, chỉ có 3 nghề được gọi là Thầy. Đó là Thầy giáo, Thầy thuốc và Thầy cúng.

Theo quan niệm của người xưa, thầy cúng đưa con người ta đến gần với thế giới tâm linh. Thầy giáo cho ta chân trời khoa học và thầy thuốc thì cho ta “sự sống”.

Bùi Hoàng Tám