Nên tiếp thu ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga

(Dân trí) - “Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyến biến tích cực, có lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu” –

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)


Đó là phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trong phiên thảo luận chiều 20/11 về việc sửa đổi Nghị quyết 35 năm 2013 của Quốc hội. Trước hết, phải nói rằng kết quả lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm đã ghi nhận nỗ lực hành động, chuyển biến tích cực của nhiều vị lãnh đạo ở hai tổ chức Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt là bước tiến ngoạn mục của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Đinh La Thăng…song, ý kiến của ĐB Nga cũng rất xác đáng, rất thuyết phục, rất đáng được lắng nghe.

Để phản biện lại ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga quả không dễ. Chẳng lẽ đã là lãnh đạo rồi thì không thể không được tín nhiệm. Khoa học nào chứng minh cho điều này? Pháp lý nào công nhận điều này?

Cái phi khoa học, phi biện chứng là ở chỗ, ai cũng được “tín nhiệm” có nghĩa là ai cũng làm được việc, cũng có năng lực, cũng hoàn thành nhiệm vụ, chỉ khác nhau là cao thấp một chút. Ai cũng được tín nhiệm thì lấy phiếu để làm gì?

Thực ra, đã có nhiều ý kiến đề xuất chỉ nên lấy hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Nhưng cho đến nay, vẫn giữ cách cũ là cả ba mức đều tín nhiệm, chỉ có cao hay thấp mà thôi. Một số đại biểu Quốc hội tiếp tục phản biện về việc này, không thể áp đặt trước cho người bỏ phiếu là phải “tín nhiệm”. Bắt buộc phải tín nhiệm trong việc bỏ phiếu có nghĩa là quyền bỏ phiếu bị hạn chế. Trong lá phiếu không có chỗ cho đại biểu thể hiện chính kiến đối với người “không tín nhiệm”.

Nói như đại biểu Võ Thị Dung là cách bỏ phiếu cả ba mức đều “tín nhiệm” là quá lo cho sự an toàn của người được lấy phiếu. Cho nên, đại biểu Võ Thị Dung phát biểu: “Tôi tha thiết đề nghị nên thể hiện hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” khi lấy phiếu”.

Đề xuất chỉ hai mức tín nhiệm, ngoài tính chất khách quan, khoa học của việc lấy phiếu, sẽ có một lợi ích khác là tạo ra động lực cho tất cả các vị đứng đầu để họ làm việc. Người thực sự có năng lực, có tâm huyết sẽ không ngần ngại việc lấy phiếu. Thậm chí, họ càng mong chỉ có hai mức phiếu “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” để rạch ròi giữa người làm được việc và người không làm được việc.

Ai cũng có uy tín cá nhân và cũng có trách nhiệm với công việc của mình, nhưng năng lực thực hiện đôi khi không đồng hành với mong muốn. Cho nên, nếu như công việc không tốt, mức độ hoàn thành chưa cao, không được tín nhiệm, thì đó cũng là chuyện bình thường. Người không được tín nhiệm, hoặc làm việc thật tốt, có hiệu quả để thay đổi kết quả bỏ phiếu của lần tới, hoặc từ chức chuyển công việc khác. Ứng xử nào cũng văn minh, cũng đáng để kính trọng.

Cho nên, những ý kiến tâm huyết, xác đáng của đại biểu Lê Thị Nga cần được tiếp thu.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

 

Cám ơn các bạn!