Nén hương buồn trong một ngày vui

(Dân trí) - Đó là nén hương đau xót trước sự ra đi của hai cô giáo Nguyễn Thị Yến và Nguyễn Thị Hằng Nga, trường tiểu học Kông Lơng Khơng, Kbang, Gia Lai khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang cận kề.

Ngày 15/11, trên đường đến với các em học sinh thân yêu của mình, thấy cô giáo Yến bị lũ cuốn trôi, cô giáo Nga đã lao mình xuống cứu nhưng do dòng nước lũ quá mạnh nên cả hai cô đều bị lũ cuốn đi.

 

Sự ra đi của các cô là một tổn thất to lớn và nỗi xót xa vô tận. Cả hai cô đều là những giáo viên giỏi, yêu thương học trò và tận tâm, tận lực với nghề. Cô giáo Hằng Nga ra đi trước ngày cưới của mình không xa còn cô Yến ra đi để lại hai đứa con thơ dại.
 

Chợt nhói lòng khi nghe câu hỏi thảng thốt của đứa con 7 tuổi, con gái cô giáo Yến: Mẹ đâu rồi? Sao mẹ không về? và chợt thương cảm đọc lời tâm sự của thày giáo Phạm Văn Sơn, chồng cô giáo Yến: “Mấy hôm trước, Yến nói 20/11 này đưa cả nhà đi lên công viên Đồng Xanh chơi. Vì khi cưới đến bây giờ, chúng tôi chưa được đi đâu cả, vậy mà...!”.
 
Nén hương buồn trong một ngày vui

 

Sự ra đi đột ngột của cô giáo Hằng Nga là nỗi đau vô tận của gia đình và người chồng sắp cưới. Hôm đó, lo trễ giờ đến lớp nên cô Nga không dám ăn sáng mà mua một túi xôi mang theo. Bà Minh (mẹ cô giáo Nga) khóc yếu ớt như chỉ còn chút hơi sức cuối cùng: “Con tôi đi lúc bụng còn đói, túi xôi vẫn treo trên xe. Con chưa kịp hoàn thành ước mơ của mình vậy mà…”.

 

Cô Nga ra đi khi lời hẹn sẽ dành dụm để trả nợ ngân hàng số tiền 60 triệu đồng vay trong những năm nuôi chị em cô ăn học còn dang dở.

 

Người chồng sắp cưới của cô giáo Nga vật vã quỳ dưới bàn thờ người yêu xinh đẹp, hiền ngoan. Sau 4 năm yêu nhau, cả hai đang định cuối năm sẽ làm đám cưới...

 

Thế mà hôm nay, khi các thầy cô giáo trong cả nước đang náo nức trong ngày hội của mình thì vắng bóng hai cô. Càng xót xa hơn khi thi thể của cô Yễn chưa tìm thấy, vẫn nằm đâu đó trong làn nước lạnh giá của Trường Sơn...

 

Gần đây, ngành giáo dục nước nhà đang gặp không ít điều tiếng vì tình trạng lạm thu, chạy trường, chạy lớp, dạy thêm, học thêm… Song, những điều đó chỉ diễn ra ở các khu đô thị và các thành phố lớn.

 

Ngay lúc này đây vẫn đang có hàng triệu thày cô giáo đang ngày đêm lăn lộn chốn làng bản, xóm thôn nơi chiếm 80% cư dân làm nông nghiệp.

 

Đặc biệt là các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Không thể cầm được nước mắt khi đọc những dòng thông tin trên báo chí kể về cuộc sống cơ cực của các thày, các cô và các em học sinh.

 

Không thể không đau lòng cảnh các em học sinh bẫy chuột và ngắt lá rau rừng để “tăng thêm chất đạm”.

 

Không thể không xót xa khi các thầy các cô “cải thiện” bữa ăn bằng bát canh nòng nọc.

 

Và cũng không thể không phẫn nộ khi cái chết của cô giáo Yến và cô giáo Nga có sự “trợ giúp”của việc xả lũ hồ thủy điện…

 

Những ngày thiêng liêng này, hôm nay (20/11/2013), chúng tôi và độc giả của Dân trí xin được gửi tới tất cả các thầy, các cô giáo cả nước lòng kính trọng, yêu mến và biết ơn sâu sắc.

 

Đặc biệt là với các thầy các cô đang ngày đêm lăn lộn, gắn bó với các em học sinh nơi vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương hải đảo. Sự hi sinh của các thầy, các cô hôm nay là để cho đất nước này, non sông này tốt đẹp hơn trong tương lai.

 

Xin được thắp nén hương thơm cầu nguyện cho hương hồn hai cô giáo của trường tiểu học Kông Lơng Khơng - Kbang và cầu xin linh hồn cô giáo Yến, cô ở nơi đâu dưới dòng nước lạnh giá hãy chỉ giúp để gia đình được đưa cô về với lòng đất mẹ.

 

Xin được chia buồn cùng gia đình trước nỗi đau to lớn này và cầu cho linh hồn hai cô siêu thoát miền cực lạc.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo làm thủ tục để công nhận cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga là liệt sĩ theo Điểm e: “Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân” Điều 17 Pháp lệnh Ưu đãi người có công ban hành ngày 09 tháng 04 năm 2013.

 

Đây là việc làm không chỉ hợp đạo lý, đúng pháp luật mà còn thể hiện rõ nhất, cụ thể nhất truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc Việt Nam, phải không các bạn?

 

Mục 3

 

LIỆT SĨ VÀ THÂN NHÂN LIỆT SĨ

 

Điều 17. Điều kiện xác nhận liệt sĩ

 

1. Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:

 

a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

 

b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;

 

c) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị.

 

Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ;

 

d) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;

 

đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh;

 

e) Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

 

Cám ơn các bạn!