Nâng đỡ "trong sáng" và nâng đỡ "trong tối"

(Dân trí) - Cuối tuần trước, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những vi phạm trong việc ký quyết định bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong thời gian làm Giám đốc Sở Xây dựng (2010-2015) đã đưa ra một khái niệm rất hay: "Nâng đỡ không trong sáng".

Nâng đỡ "trong sáng" và nâng đỡ "trong tối" - 1

Xưa nay, nói đến từ "nâng đỡ" là có hàm ý tạo điều kiện, giúp đỡ ai đó có năng lực, có tài nhưng hiện tại người đó có những khó khăn nhất định để tiến bộ hơn trong công việc, có khả năng phát triển để làm việc tốt hơn cho cơ quan, tổ chức.

Nhưng cụm từ "nâng đỡ không trong sáng" áp dụng trong trường hợp nói trên quả là một "sáng tạo" ngôn ngữ khá thú vị. Nó ngay lập tức được cộng đồng mạng, người đọc báo tán thưởng, truyền tay nhau chia sẻ (share) trên mạng xã hội.

Vì quả thật, nhìn vào trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh, một người mà từ tháng 3/2017, Thanh tra của Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận là không hội đủ các tiêu chuẩn nhưng giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa khi đó (tháng 10 và tháng 11/2015) là ông Ngô Văn Tuấn đã liên tục ra quyết định bổ nhiệm làm Phó phòng rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Sở này thì rõ ràng, việc bổ nhiệm đó là khác thường.

Thậm chí bà Trần Vũ Quỳnh Anh còn được quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng với một người mà xuất phát mới là nhân viên hợp đồng chỉ trước đó ít lâu thì quả là sự nâng đỡ quá "không trong sáng" hay đúng ra, đó là một vụ bổ nhiệm "trong tối".

Nhưng "không trong sáng" cụ thể như thế nào thì cơ quan kiểm tra cũng chưa nêu cụ thể nên cũng dẫn đến không ít thắc mắc: Ông Ngô Văn Tuấn có gì "không trong sáng" với bà Trần Vũ Quỳnh Anh- được coi là "hot girl" Thanh Hóa hay là có người khác "không trong sáng" với người này, còn ông Tuấn chỉ là…?

Nên hình thức kỷ luật áp dụng cho ông: Kiểm điểm nghiêm khắc, có khi còn hơi nặng?. Bởi nếu có người khác "không trong sáng" với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, lại để cho ông phải gánh tội thay thì hình phạt trên với ông Ngô Văn Tuấn có nặng?.

Nhưng dù nói gì, là người trực tiếp ký các quyết định, "bút sa gà chết", lại cộng thêm nhiều khuyết điểm, sai phạm khác như Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu, ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chẳng oan uổng gì. Cho đến ngày hôm qua (17/12), ông này đã bị Ban bí thư Trung ương Đảng chính thức áp dụng mức kỷ luật còn nặng hơn đề xuất rất nhiều: Cách mọi chức vụ trong Đảng.

Nhìn lại hàng loạt các vụ bổ nhiệm cán bộ ở một số tỉnh, thành phố mới đây càng thấy khái niệm "bổ nhiệm không trong sáng" rất có cơ sở thực tế.

Cùng thời gian với vụ việc ông Ngô Văn Tuấn nói trên, cơ quan kiểm tra của Đảng cũng đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo không đúng.

Ông Hoài Bảo có thú chơi chim và đã trở nên nổi tiếng từ vụ bị mất con chim quý. Giờ đây, ông mất cả chim lẫn chức.

Theo như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong khi đó, ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (cha ruột của ông Lê Phước Hoài Bảo) cũng được kết luận là có những sai phạm liên quan. Vì Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 đã có các vi phạm sau sau: Buông lỏng lãnh đạo, để UBND tỉnh và cơ quan chức năng tuyển dụng công chức, xét tuyển viên chức không qua thi tuyển, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, có sự ưu ái đối với con của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Thanh cũng bị quy trách nhiệm đã để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học Thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.

Như vậy, việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bão cũng không thể gọi là "trong sáng" được mà phải là "trong tối" cũng đúng. Nên không phải tự nhiên, cơ quan kiểm tra Đảng đề nghị xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm với ông Lê Phước Hoài Bảo.

Trong một báo cáo trình Quốc hội tháng 5/2017 do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu, vừa qua cả nước có 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định. Trong đó, 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm... Các trường hợp này đều khó có thể coi là "bổ nhiệm trong sáng".

Cho nên, nhân đợt này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Nhà nước tổng rà soát lại công tác bổ nhiệm, bầu bán nhân sự, làm rõ các trường hợp "trong sáng" và có dấu hiệu "không trong sáng" để xử lý kiên quyết như cách làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa rồi sẽ góp phần chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ. Người đáng nâng đỡ được nâng đỡ, các trường hợp "nâng đỡ không trong sáng" bị đình chỉ, hủy bỏ chức vụ thì mọi thứ sẽ được đi vào nề nếp.

Mạnh Quân