Mừng quá, nếu chỉ thấy có 4 vụ tham nhũng qua báo cáo của Thanh tra
(Dân trí) - Trong bản tin về kết quả thanh tra 6 tháng đầu năm 2018 của Thanh tra Chính phủ đăng trên Dân trí tuần trước, kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ của các ngành, các cấp chỉ phát hiện được… 4 vụ. Thanh tra Chính phủ thì phát hiện được nhiều hơn.
Theo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ hiện hành, Thanh tra Chính phủ ngoài nhiệm vụ thanh tra về kinh tế- xã hội ở các ngành, các cấp, còn có nhiệm vụ là đầu mối tổng hợp, tham mưu về phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng. Cơ quan này còn có Cục Phòng, chống tham nhũng mà hiện nay ông Phạm Trọng Đạt là Cục trưởng.
Nhưng nhìn vào kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, các đối tượng tham nhũng thời gian qua, có cảm giác như Việt Nam là đất nước rất ít tham nhũng, tiêu cực; cán bộ, công chức các ngành, các cấp như vậy là rất trong sạch?. Hàng triệu người làm cán bộ, công chức mà chỉ có vài người tham nhũng một năm: Ôi nếu thế thật thì mừng thật, mừng quá. Người dân sẽ hết sức tin tưởng vào sự liêm chính của các quan!
Cụ thể, như trong dự thảo báo cáo tổng kết 6 tháng của Thanh tra Chính phủ được công bố tuần trước mà Dân trí cũng đã đưa tin, trong 6 tháng qua, kết quả các cuộc kiểm tra nội bộ của các ngành, các cấp chỉ có 4 vụ tham nhũng, xảy ra tại 3 địa phương: An Giang, Long An và Phú Yên.
Phải hiểu đó là kết quả kiểm tra "nội bộ" của các ngành, các cấp gửi Thanh tra Chính phủ tổng hợp theo chức năng của cơ quan này là cơ quan "đầu mối". Còn Thanh tra Chính phủ thì qua công tác thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp, các dự án, phát hiện tới 18 vụ với 14 đối tượng.
Cho dù vậy, con số phát hiện của Thanh tra Chính phủ cũng không phải là nhiều, khi so sánh với số lượng rất lớn các cuộc thanh tra mà cơ quan này tiến hành: 6 tháng đầu năm, toàn ngành thanh tra tiến hành 3.800 cuộc thanh tra hành chính và 92.900 cuộc thanh tra chuyên ngành.
Với số tiền sai phạm được phát hiện qua ngần đó cuộc thanh tra: 10.000 tỷ đồng, 32.600 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng, 357 ha đất thực tế không phải là ít. Nhưng so với số vụ được kết luận là có tham nhũng như vậy quả là có gì đó rất không tương xứng.
Tất nhiên là không phải sai phạm nào cũng là có dấu hiệu tham nhũng cả: Có những việc chi sai nguồn, chi sai mục đích... ở dự án này, chương trình kia, địa phương này, cơ quan kia, có khi là chi sai với số tiền khá lớn, có nơi lên đến rất nhiều tỷ đồng.
Nhưng có không ít dạng sai phạm như: Kê khống, nâng khống giá trị vật tư, thiết bị; thay thế vật liệu... ở nhiều công trình, dự án như báo cáo tổng hợp thanh tra mà chỉ phát hiện số vụ tham nhũng thế thôi thì thật khó thuyết phục. Người ta kê khống, nâng khống...như vậy thì các khoản tiền chênh ra sẽ đi đâu?
Còn kết quả báo cáo kiểm tra, phát hiện tham nhũng nội bộ của 63 tỉnh, thành phố, hàng chục bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước về Thanh tra Chính phủ mà chỉ có 4 vụ tham nhũng thì càng khó tin. Nó chỉ cho thấy, các cuộc thanh, kiểm tra nội bộ các ngành chỉ là hình thức, không có chút thực chất nào. Cũng rất có thể nhiều cơ quan không có năng lực thanh tra, phát hiện tham nhũng hoặc có phát hiện, cũng muốn xử nội bộ để đỡ... mang tiếng.
Bằng chứng để nói kết quả thanh, kiểm tra nội bộ về các vụ tham nhũng cũng rất dễ thấy. Ví dụ như ngành Hải quan, các báo cáo hàng tháng luôn là: Số vụ tham nhũng phát hiện bằng 0. Nhưng qua các vụ việc điều tra của ngành công an, đã có nhiều vụ tham nhũng ở một số Cục Hải quan địa phương được đưa ra xét xử năm 2017 và đầu năm 2018 với số đối tượng bị xét xử, kết án là cán bộ, công chức Hải quan lên đến hàng chục người.
Hay kết quả điều tra các vụ án trọng điểm như các vụ xảy ra trong ngành công thương, ngành dầu khí vừa qua cũng có hàng loạt đối tượng đã phải ra tòa, chịu các mức án tù rất cao như các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh... thì các vụ việc này cũng không phải do ngành thanh tra phát hiện hay các cơ quan quản lý trực tiếp các cá nhân này phát hiện được qua các cuộc kiểm tra "nội bộ". Thậm chí có thể nói, ở không ít nơi, toàn bộ cơ quan giám sát, kiểm tra nội bộ là vô hiệu, vô dụng với tham nhũng.
Cho nên, thà đừng báo cáo con số kết quả chống tham nhũng có khi còn đỡ khiến người dân bức xúc hơn. Càng báo cáo, người ta càng thấy các số liệu đó không có gì đáng tin và những việc để phòng, chống tham nhũng của ngành này rõ ràng chẳng có kết quả thuyết phục nào.
Viết đến đây, người viết bài này lại nhớ đến câu nói của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ tại một hội nghị về phòng, chống tham nhũng tháng 3/2016, khi đó các báo đều đã đăng tin: "Chống tham nhũng, có khi chúng tôi chết trước".
Một người đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng mà... sợ chống tham nhũng đến thế, thảo nào, mấy năm qua, mỗi năm ngành thanh tra chỉ phát hiện được có vài vụ, vài đối tượng, cũng chẳng lấy gì làm khó hiểu.
Mạnh Quân