Mua bán 1 USD, phạt như 1 triệu USD, tính hợp lý ở đâu?

(Dân trí) - Chuyện anh Nguyễn Cà Rê, một nhân viên điện lực ở Cần Thơ vì bán 1 tờ 100 USD bị tịch thu, xử phạt 90 triệu đồng đã gây lên nhiều ý kiến trái chiều.

Mua bán 1 USD, phạt như 1 triệu USD, tính hợp lý ở đâu? - 1

Nhiều luật sư, đại biểu Quốc hội và gần đây nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 10 năm 2018.

Câu chuyện xem ra vẫn tiếp tục làm nóng bỏng dư luận.

Có một thực tế ai cũng đã thấy, việc mua bán, trao đổi ngoại tệ ở Việt Nam cho đến thời điểm này, ở nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn hết sức lộn xộn, không thực hiện đúng quy định của pháp luật: Chỉ được mua, bán ở ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các địa điểm có giấy phép kinh doanh ngoại tệ.

Thế nhưng ngay tại Hà Nội, ở một số tuyến phố: Nhà Chung, Hà Trung... ai cũng biết rằng, mua bán ngoại tệ rất dễ dàng. Thậm chí, có phố ở khu trung tâm, có những người đứng túm năm, tụm ba mua bán ngoại tệ chẳng khác như bán hàng rong.

Vụ việc xảy ra tại Cần Thơ, với anh công nhân điện Nguyễn Cà Rê cũng là một hiện tượng trong số đó. Anh này đã bán 100 USD cho tiệm vàng Thảo Lực được 2,3 triệu đồng nhưng đã bị bắt quả tang, bị thu giữ số tiền trên và phạt hành chính số tiền 90 triệu đồng.

Nhìn vào hiện tượng thì ai cũng hiểu rằng, hành vi mua bán USD của anh công nhân này bị phạt là đúng. Bởi điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã cấm mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi chính là mức phạt lên tới 90 triệu đồng.

Thực tế đa số ý kiến từ các luật sư, chuyên gia kinh tế và cả nhiều đại biểu Quốc hội đang dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa IX đều cho rằng, mức phạt này là không hợp lý. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội), việc phạt một hành vi bán 1 hay 10 USD mà cùng mức phạt như hành vi bán 10.000 hay 100.000 USD là "không phù hợp". Và đây là biểu hiện sự thiếu hụt các quy định, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước nên khiến dư luận không đồng tình.

Trên thực tế, hiện nay, có hàng loạt Bộ luật, luật quy định về xử phạt hành chính trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đa số các chính sách đã ban hành đều quy định rõ từng hành vi vi phạm, tương ứng với mức độ mỗi hành vi vi phạm sẽ có mức xử phạt khác nhau. Cũng như vi phạm luật giao thông thì hành vi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm thì không thể nào phạt cùng một mức như hành vi cố ý gây tai nạn hay đi vào đường ngược chiều.

Sự bất hợp lý trong quy định xử phạt anh công nhân Nguyễn Cà Rê chính là ở chỗ chỉ có một khung hình phạt duy nhất cho hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là từ 80-100 triệu đồng. Cho nên dù ai mua bán 1 USD hay 1 triệu USD, 10 triệu USD thì mức phạt cũng chỉ ở trong khung đó. Và đó là điều quá phi lý, khó khiến cho người dân đồng tình.

Bên cạnh đó, việc cửa hàng Thảo Lực, nơi bán ngoại tệ cho anh Nguyễn Cà Rê đã "có chuyện" với cơ quan công quyền. Trước thời điểm xảy ra việc mua 100 USD của anh Rê, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ đã ký quyết định khám xét nơi cất giấu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại nhà ở của chủ tiệm vàng này.

Và khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã khám xét cửa hàng, nơi ở, thu giữ nhiều đồ vật, đá quý... không liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm và xung công số hàng hóa đó. Đa số ý kiến luật sư cho rằng, quyết định trên và việc tổ chức khám xét với tiệm vàng này sai quy trình và không có căn cứ.

Do đó, không phải tự nhiên, cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc UBND TP. Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2018.

Hy vọng là, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan hữu quan sẽ kiểm tra, xử lý vụ việc một cách công tâm, khách quan để quy định của luật pháp vẫn được thực hiện nghiêm nhưng đảm bảo tính hợp lý. Làm sao để người dân phân biệt, nhận biết được đâu là địa điểm được mua bán ngoại tệ hợp pháp, biết rõ được như thế nào là vi phạm là nếu vi phạm, mức phạt đến đâu thiết nghĩ, là điều các cơ quan nhà nước phải làm rõ ràng hơn qua sự việc này.

Theo thông tin mới nhất, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quốc Hà - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, ông đã nhận được chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ giải quyết sự việc. Theo đó, sẽ trả lại tang vật 100 USD cho ông Cà Rê. Vì người ta hạn chế hiểu biết về pháp luật, thu nhập thấp nên xem xét miễn giảm tiền phạt hoặc miễn luôn, tùy lãnh đạo TP Cần Thơ quyết định.

Mạnh Quân