Một việc rất cần làm ngay, thưa Thủ tướng!
(Dân trí) - Do sự nghiêm trọng của sự việc, theo người viết bài này, có lẽ đã đến lúc Chính phủ nên sửa Nghị 46/2016/NĐ-CP, tăng mức xử phạt lên mức đủ sức răn đe những ai cố tình vi phạm pháp luật.
Vụ án xe container và xe Innova đâm vào nhau gây sóng dư luận khi TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án 9 năm tù đối với tài xế Ngô Văn Sơn (lái xe Innova), 6 năm tù với tài xế Lê Ngọc Hoàng (xe container).
Chiều 12/11 vừa qua, TAND Tối cao đã tổ chức hội tham vấn lãnh đạo các Thẩm phán TAND Tối cao, đại diện VKSND Tối cao, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, TAND Cấp cao tại Hà Nội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội và đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên bàn về vụ việc này.
Trả lời PV Dân trí, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết đã giao TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét theo trình tự giám đốc thẩm nên chưa thể kết luận tài xế container Lê Ngọc Hoàng có lỗi hay không có lỗi.
Với sự tham gia đông đảo của những nhà chuyên môn hàng đầu này, rồi đây chắc chắn vụ việc sẽ được xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, điều đau xót là dù tài xế Hoàng có hay không phải chịu án phạt thì thiệt thòi, mất mát to lớn vẫn thuộc về gia đinh các nạn nhân. Do đó, điều quan trọng hơn hết lúc này là làm thế nào để không xảy những vụ tai nạn tương tự tái diễn.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội cũng như báo chí chính thống đăng tải rất nhiều những vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng trên các tuyến đường cao tốc.
Từ việc hai cô gái đi xe máy ngược chiều, lao như bay trên đường đến chiếc xe container ngang nhiên quay đầu và cả những chiếc xe khách bất chấp, lao bạt mạng ngược diễn ra trên đường cao tốc đã gây bức xúc trong dư luận.
Vừa nới đây, một nữ tài xế lái xe trong trạng thái say xỉn đã gây tai nạn làm nhiều người bị thương vong.
Số phận của những con người lương thiện trở nên mong manh, tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào vì những sai phạm của những kẻ ngông cuồng, coi thường pháp luật.
Vì sao tình trạng vi phạm giao thông nghiêm trọng như đã nói ở trên lại diễn ra nhiều đến như vậy?
Tất nhiên trước hết, đó là hành vi coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của mình và của người khác của một số người. Song, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là hình phạt cho hành vi này chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, theo điểm a khoản 8, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi điều khiển xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc chỉ bị phạt tiền từ 7– 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4 – 6 tháng.
Đối với hành vi say rượu lái xe, sẽ bị phạt mức thấp nhất từ 2-3 triệu đồng và cao nhất từ 16 - 18 triệu đồng.
Trong khi đó tại Hàn quốc, Tổng thống Moon Jae-in coi uống rượu lái xe gây tai nạn là “hành vi giết người”. “Lái xe uống rượu đâm người không phải là một tai nạn. Đó có thể được coi là một hành vi giết người hoặc phá hủy toàn bộ cuộc sống của người khác”. Ông Moon nói.
Trong khi đó, đối với hành vi lái xe ngược chiều trên đường cao tốc, người viết bài này tìm kiếm trên hệ thống Google mức phạt ở một số quốc gia tiên tiến nhưng không thấy kết quả. Có lẽ việc này quá vô lý, không tồn tại trong thực tế nên họ không qui định của luật pháp chăng?
Do sự nghiêm trọng của sự việc, theo người viết bài này, có lẽ đã đến lúc Chính phủ nên sửa Nghị 46/2016/NĐ-CP, tăng mức xử phạt lên mức đủ sức răn đe những ai cố tình vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi chạy ngược chiều trên đường cao tốc, có thể thu bằng lái vĩnh viễn, thậm chí tịch thu phương tiện.
Đối với hành vi lái xe có nồng độ cồn, cần nâng mức phạt ít nhất lên gấp đôi, thậm chí nên làm căng như Hàn quốc, coi đó là hành vi giết người nếu gây tai nạn.
Chỉ có như thế mới đủ sức răn đe và cũng chỉ có như thế mới bảo vệ được tính mạng những người lương thiện.
Việc này cần làm ngay bởi thêm giờ phút nào là thêm một nguy cơ đe dọa tính mạng của những người dân lúc ấy.
Bùi Hoàng Tám