Một người tắc trách, vạn người lao đao!
(Dân trí) - Việc kỉ luật nghiêm khắc cán bộ liên quan không chỉ làm lành mạnh đội ngũ công chức của Văn phòng Bộ mà còn là một “tuyên ngôn làm việc” của lãnh đạo Bộ với tất cả thầy cô và học sinh cả nước. Không thể để một người tắc trách, vạn người lao đao.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà một quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có tầm quan trọng bởi tác động đến đời sống của hàng chục vạn cháu nhỏ ở miền núi và khoảng 25 vạn cô giáo mầm non cả nước bị cán bộ của Bộ GD&ĐT cho lên… “gác bếp” hơn 1 năm trời.
Ngày 26/2/2013, qua báo Dân trí, Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài THVN đã gửi thư ngỏ đến Bộ trưởng Bộ GD&DDT Phạm Vũ Luận phản ánh về nguyện vọng thứ nhất, hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu.
Không dừng ở đó, vừa qua Nhà báo Trần Đăng Tuấn tiếp tục qua Dân trí gửi thư lần hai đề nghị nội dung thứ hai – thực hiện chế độ cho các cô giáo mầm non với lời “thách thức” nếu quyền lợi của các cô giáo không được giải quyết theo Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ, ông Tuấn sẽ duy trì cuộc đối thoại 2 tuần/lần cho đến ngày có kết quả.
Có lẽ chính vì những động thái quyết liệt của Nhà báo Trần Đăng Tuấn, những phản hồi (comment) của bạn đọc Dân trí và một số cơ quan báo chí, ngày 11/3 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ -TTg ngày 26/10/2011.
Như vậy là chỉ trong vòng 2 tuần, từ chỗ một Quyết định “gác bếp” nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Nhà báo Tuấn và các cơ quan báo chí, Bộ GD&ĐT đã cùng với các bộ liên quan là Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đã có thông tư hướng dẫn để Quyết định 60 đi vào cuộc sống.
Đây là một việc làm đáng ghi nhận của lãnh đạo các bộ nói trên.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc ban hành Thông tư hướng dẫn nếu làm tích cực, thời gian không quá 2 tuần. Thế nhưng tại sao lại bị “ngâm” ở bộ GD&ĐT với thời gian hơn 14 tháng? Và nếu như không có sự lên tiếng của báo chí và Nhà báo Trần Đăng Tuấn thì Quyết định trên sẽ còn ứ đọng đến bao giờ? Tại sao một quyết định quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến hàng vạn người, trong đó có cả các cháu mầm non lại dễ dàng bị “bỏ quên” như vậy?
Có thể nói hơn một năm qua, các cô giáo và các em học sinh ngày ngày phải vật lộn với rất nhiều những khó khăn, vất vả. Thế nhưng tại Văn phòng của chính Bộ GD&ĐT lại có những công chức vô tâm “bỏ quên” một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến hàng chục vạn người trong hơn một năm thì có lẽ ở đó còn là sự nhẫn tâm.
Vì vậy, một câu hỏi không thể không đặt ra, ai phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này? Bộ GD&ĐT không thể không “chỉ mặt, đặt tên” những cán bộ tắc trách, vô cảm và vô trách nhiệm như vậy. Và nếu không có hình thức kỉ luật xứng đáng đối với các cá nhân cụ thể, chắc chắn tình trạng trên sẽ còn lặp lại.
Việc kỉ luật nghiêm khắc những cán bộ liên quan không chỉ làm lành mạnh đội ngũ công chức của Văn phòng Bộ mà còn là một “tuyên ngôn làm việc” của lãnh đạo Bộ với tất cả thầy cô và học sinh cả nước.
Không thể để tình trạng một người (hoặc một nhóm người) tắc trách, hàng chục vạn người lao đao.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!