Một mục tiêu người dân rất chờ đợi

(Dân trí) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, rất được người dân chờ đợi từ Bộ Tư pháp, đó là việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Một mục tiêu người dân rất chờ đợi - 1

Cho đến thời điểm hiện tại, dù đã đưa ra nhiều biện pháp (kể cả việc từng phải đặt vấn đề đánh thuế 45% tài sản không rõ nguồn gốc), song, số tài sản thu hồi được vẫn ở mức khiêm tốn.

Theo thông tin từ Dân trí, “kết quả thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài còn khiêm tốn. Còn khá nhiều vụ việc bán đấu giá nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá nên chưa thể xử lý dứt điểm được vụ việc (năm 2018, toàn quốc còn 667 vụ việc đấu giá thành với số tiền trên 1.424 tỷ đồng nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá)”.

Đặc biệt, có những vụ thất thoát lớn như Vinashin - Phạm Thanh Bình không chỉ không thu hồi được số tài sản theo kết luận của tòa án mà cả tiền nộp án phí cũng không có nốt. Gần đây là vụ ông Đinh La Thăng, dù số tiền bồi thường bị tòa tuyên lên đến 600 tỉ đồng. Song, toàn bộ tài sản được phát hiện chỉ có một căn chung cư là tài sản của ông Thăng có chung với vợ.

Câu hỏi đặt ra, vì sao lại xảy ra tình trạng này và đó là số tài sản đó đi đâu?

Theo người viết bài này, có thể có nhiều nguyên nhân. Song, có ba nguyễn nhân căn bản nhất.

Thứ nhất, đó là thiếu yếu tố bất ngờ. Những đối tượng này khi phát hiện vi phạm thường không được xử lý bắt tạm giam ngay, đồng thời phong tỏa tài sản mà phải qua rất nhiều cơ quan xem xét hinh thức kỉ luật. Đây chính là thời gian mà các đối tượng này có thể tẩu tán tài sản.

Thứ hai, đó là việc kê khai tài sản chưa được giám sát chặt chẽ. Vụ một Đại tá Công an “quên” cả một ngôi biệt thự trị giá hàng trăm tỉ đồng là một ví dụ điển hình.

Thứ ba, mối quan hệ cha mẹ, anh em, họ hàng của người Việt Nam ta rất “nhằng nhịt” là chỗ “ẩn náu” của tài sản phi pháp. Trong khi, luật pháp lại chưa có cơ chế hữu hiệu để “chặn” những “luồng lạch” này.

Đó là chưa kể hoàn toàn có thể chưa có sự quyết liệt cần thiết từ một số cơ quan thi hành án, thậm chí có thể một số cá nhân bị chi phối nên kém nhiệt tình?

Vì thế, người dân rất chờ đợi khi Bộ Tư pháp đặt mục tiêu năm 2019 sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tập trung thi hành để nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt cao hơn năm 2018.

Đồng thời, cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là trong kê biên, đấu giá tài sản thi hành án cũng là một trong những thông tin được người dân rất mong đợi.

Có lẽ xin một lần nữa nhắc lại lời của Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản chỉ mới thắng lợi một nửa”.

Đặc biệt, không thể để tiền, tài sản của nước của dân bị tuồn ra nước ngoài.

Bùi Hoàng Tám