Một chính sách nhân văn và đạo lý

(Dân trí) - Việc hỗ trợ cho những giáo viên, cô nuôi trường tư thục vẫn là một điều cần thiết, là nghĩa cử và cũng là đạo lý.

Một chính sách nhân văn và đạo lý - 1

Một thông tin đáng chú ý vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đưa ra tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 2/7, đó là cơ quan này đang đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ trong phạm vi gói 62.000 tỷ đồng.

Cụ thể, đối tượng được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung là giáo viên các trường tư thục - những người mất việc làm, ngừng việc làm nhưng chưa được hỗ trợ. Mặc dù đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng nhưng kinh phí vẫn nằm trong gói 62.000 tỷ đồng.

Như vậy với đề xuất này, gói kinh phí hỗ trợ tổng thể không thay đổi nhưng lại mở rộng được đối tượng hỗ trợ. Do vậy, cá nhân người viết đánh giá, đó là điều nên.

Thực tế cũng đã có những băn khoăn về việc vì sao những giáo viên ngoài công lập, những cô nuôi trẻ ở các trường tư không nằm trong diện hỗ trợ này, bởi giáo dục tư thục là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch.

Ngay trước khi thực hiện cách ly xã hội thì đã rất nhiều trường tư trên cả nước phải đóng cửa vì học sinh phải nghỉ học, học trực tuyến. Nguồn thu học phí không có, không có lương chi trả, nhiều giáo viên đã phải xoay đủ nghề để sống, bao gồm cả bưng bê, bốc vác...

Bày tỏ trên Dân Trí, ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, sẽ là thiệt thòi cho hàng nghìn giáo viên, cô nuôi nếu không được hỗ trợ chống Covid-19.

Chỉ riêng ở địa bàn tỉnh này, dù trong đợt dịch Covid-19 chưa ghi nhận trường tư thục nào phải đóng cửa nhưng cũng đã có hàng chục lao động bị chấm dứt việc làm, chỉ trong 2 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4/2020) có hơn 2.200 cán bộ, giáo viên cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa nhận được lương và nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, có gần 3.000 cô nuôi, nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú và 326 giáo viên giảng dạy thỉnh giảng ngoại ngữ - tin học cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Mở rộng ra trên phạm vi cả nước, có thể thấy, số lượng những giáo viên, cô nuôi bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 là rất lớn.

“Là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong ngành giáo dục, chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cụ thể hóa điều kiện, tiêu chuẩn đối với đội ngũ lao động đặc thù này để xem xét, tháo gỡ khó khăn, tránh bỏ sót trong quá trình triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” - Ông Hải nói điều này trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.

Chúng ta vẫn thường nghe tới câu nói “dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Đó thực sự là một nghề “cao quý”, nhưng cũng là một nghề đòi hỏi sự hy sinh, sự tâm huyết, đam mê và cũng cần sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.

Thật khó để nói ai cần giúp đỡ hơn ai trong khó khăn chung của nền kinh tế như hiện nay, khi mà ai cũng đều bị ảnh hưởng, bị tác động vì dịch bệnh không ít thì nhiều, song, việc hỗ trợ cho những giáo viên, cô nuôi trường tư thục vẫn là một điều cần thiết, là nghĩa cử và cũng là đạo lý.

Chắc chắn một điều là dẫu phải dạy không lương, phải chịu nhiều thách thức hơn nữa, cũng sẽ chẳng ai trong số họ ngồi không để chờ đến lượt được hỗ trợ. Tuy vậy, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Vốn dĩ lương của bộ phận giáo viên, cô nuôi trường tư thục đã ở mức thấp, nếu có thể có phần hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng trong lúc khó khăn (đương nhiên không phải hỗ trợ cào bằng và ồ ạt), có lẽ họ cũng được an ủi phần nào, để sống được, sống tốt và yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Bích Diệp