Mặt hồ đầy "bao cao su", "ông Tây" và những chuyện "bình thường"!

(Dân trí) - Những hình ảnh khá bẩn mắt ở mặt hồ Linh Đàm (Hà Nội) mà cả báo chí lẫn mạng xã hội đăng tải, bàn nhiều, viết nhiều tuần qua phải chăng cũng là một trong những chuyện vốn bị cho là... bình thường?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tuần trước, cộng đồng mạng, báo chí lại một phen "dậy sóng" với các bức ảnh kinh khủng trên mặt hồ Linh Đàm: Mặt hồ tràn ngập bao cao su, băng vệ sinh... trông rất phản cảm. Nhưng đáng chú ý nữa-người chụp chúng là Benjamin James Park, một công dân Úc đã sinh sống tại Việt Nam hơn 9 năm.

Vâng, tại sao vẫn lại là một người nước ngoài, phát hiện ra chuyện như thế, trong khi những cư dân sinh sống ở khu vực đó thì không? Và đáng buồn, thậm chí, trên mạng xã hội và phần bình luận về những tin tức, hình ảnh đăng trên báo, có những người tự nhận là người dân ở khu vực đó còn nói rằng James Park chẳng ra sao, làm chuyện "bao đồng" khi đưa các bức ảnh đó lên mạng, bêu xấu, làm mang tiếng cho khu dân cư Linh Đàm.

Thật kỳ lạ khi vẫn còn có những ý kiến như thế. Bởi chúng ta cần lắm những người thích làm chuyện "bao đồng" như vậy. Thực ra, Benjamin James Park đã làm việc đó không chỉ một lần, cho dù những lần trước, mặt hồ không quá nhiều bao cao su và băng vệ sinh. Nhưng nó vẫn có, không ít, kể cả kim tiêm, rác...

Như trả lời trên báo Thanh niên, Benjamin nói, anh thường xuyên phải dọn do nhiều người: Những người lớn, cặp đôi... hay vứt ra nhất là vào buổi tối. “Nhà tôi gần công viên, hàng ngày tôi ra vào, sử dụng nó, nếu không dọn, tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu và xấu hổ với bản thân", câu trả lời của Benjamin không biết có làm ai xấu hổ?.

Nhưng vấn đề là không chỉ có Benjamin. Trước anh, đã có nhiều người ngoại quốc cũng đã làm những việc tương tự. Như ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, người ta thường xuyên thấy một người đàn ông Nhật Bản đứng tuổi đi nhặt rác hộ dân Thủ đô vào ngày nghỉ. Ban đầu thì người ta thấy lạ và rồi thì, nhiều thanh niên Thủ đô cũng bắt chước ông làm việc đó. Và có lẽ, gần đây, khu vực hồ Gươm đã sạch sẽ hơn trước rõ ràng nhờ những người
lo chuyện bao đồng như vậy"?

Trước đó nữa là James Joseph Kendall , giáo viên tại một trường tiểu học tại quận Tây Hồ, Hà Nội, đến từ Mỹ. Hồi tháng 5/2016, anh đã cùng những người bạn của mình dọn dẹp con mương thối ở đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy). Sau đó, có lúc, anh thậm chí còn bị chính quyền phường gọi lên nhắc nhở vì đã làm việc đó mà không báo trước cho họ.

Chúng ta còn thấy nhiều hơn ở chỗ này, chỗ kia, có những người ngoại quốc giận dữ, đứng chặn đường những chiếc xe ô tô, xe máy đi ngược chiều, đi vào đường cấm... mà báo chí cũng đều đã đăng cả, như một sự ngạc nhiên.

Qua tất cả những câu chuyện này, nhiều người trong chúng ta phải giật mình nhìn lại. Bởi tại sao có những chuyện đó mà "người ngoài" nhận ra mà chúng ra lại không. Hoặc có nhận ra, sao chúng ta không lên tiếng hoặc làm điều gì đó để cải thiện? Không cần nói những chuyện to tát, mà chỉ là câu chuyện rác rưởi, ô nhiễm môi trường, vi phạm giao thông -những điều diễn ra hàng ngày, nơi ta sống?.

Đó đều là những chuyện mà ai cũng có thể làm, những việc tưởng nhỏ, nhưng nếu ai cũng có ý thức, trách nhiệm với chúng, thì đều sẽ giúp cải thiện, thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống mà chẳng cần phải hô hào, kêu gọi Nhà nước, Chính quyền làm những điều gì ghê gớm, lớn lao.

Có thể có nhiều chuyện chúng ta không kịp nhận ta, bởi chúng cứ diễn ra ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đến mức, đa số mọi người đều thấy bình thường, kể cả những chuyện rất kinh khủng: Đốt vàng mã, đặt bếp than tổ ong gần cây xăng; thản nhiên hàn xì ở những nơi dễ cháy; những chiếc xe xích lô chở những tấm tôn sắc nhọn nghễu nghện ra đường kể cả giờ tan tầm... Để đến khi gây ra hậu quả cháy nhà, chết người mới ầm ầm lên tiếng, lên án, bình luận gay gắt... rồi đâu lại vào đấy.

Nhiều người ngoại quốc sang Việt Nam sinh sống, làm việc, với con mắt khác, họ thấy ngay những chuyện kinh khủng, bất bình thường này nhưng đa số người mình lại không thấy. Nhưng sự khác nhau trong cách nhìn ra chuyện "bất thường" đó có lẽ không chỉ là câu chuyện ý thức, nhận thức mà còn là cả khoảng trống về giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân, về trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền sở tại mà việc khắc phục nó, không phải một sớm một chiều.

Tuy nhiên, trong khi chờ khắc phục được điều đó, thì nếu mỗi người đều chú ý hơn, có ý thức hơn với những chuyện "bất thường" đang trở lên bình thường đó, hãy học và làm theo các vị khách của mình: Những Benjamin, James... để làm những việc nhỏ như dọn rác, chặn xe đi trái chiều, cảnh báo chuyện xả thải bừa bãi... hẳn mọi thứ xung quang chúng ta cũng sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều phải không ạ?

Mạnh Quân