Mất cơ hội kinh doanh chỉ vì phải thay từ "ngô" thành từ "bắp"

(Dân trí) - Tuần trước, trong bài phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Dược (sửa đổi) tại Quốc hội, bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu lên một câu chuyện rất thực tế.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Cụ thể, bà Phạm Khánh Phong Lan nói rằng, dự thảo Luật Dược rút ngắn thời gian cấp lại sổ đăng ký thuốc từ 6 tháng trước đây xuống còn 3 tháng là tiến bộ. Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng, việc cấp mới sổ đăng ký thuốc nên dừng lại ở thời hạn 12 tháng chứ không nên kéo dài tới 18 tháng như dự thảo.

Phải thay đổi qui định như vậy, theo bà Lan, sẽ hạn chế bớt nhũng nhiễu. Đại biểu Quốc hội này kể: "Ở TP Hồ Chí Minh chúng tôi có một chuyện buồn được truyền miệng là có một doanh nghiệp nộp hồ sơ lên, theo luật định trong 6 tháng nếu thấy đủ điều kiện thì phải cấp, không thì phải trả lời. Gần hết thời gian, doanh nghiệp được mời lên, hồ sơ của họ đầy đủ hết, chỉ có một chi tiết thay tinh bột bắp là tá dược bằng tinh bột ngô cho đúng chuẩn, thế là doanh nghiệp mất toi luôn 6 tháng".

Với nhiều doanh nghiệp, 6 tháng là một khoảng thời gian khá dài, đủ để mất đi một cơ hội, một thời cơ kinh doanh. Cho nên đôi khi để được việc, để không bị cơ quan quản lý làm khó, mất thời gian, họ phải mất tiền "dưới gầm bàn" để được "hướng dẫn" nhanh nhất, thay vì chờ đến 6 tháng.

Câu chuyện của bà Phạm Khánh Phong Lan đang đề cập đến một vấn đề rất mới. Từ tháng 11/2014, Quốc hội đã ban hành 2 luật mới: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (đều có hiệu lực từ 1/7/2015) với tinh thần cải cách thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tự do kinh doanh. Ngoài 6 lĩnh vực cấm kinh doanh thì các qui định có tính chất hạn chế kinh doanh (ngành nghề kinh doanh có điều kiện đều phải đưa vào luật).

Tất cả những điều này nhằm chấm dứt tình trạng các bộ, ngành, cơ quan lạm dụng, đưa các qui định bất hợp lý, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vào các văn bản dưới luật: Thông tư, công văn hướng dẫn như thời gian dài trước đây.

Nhưng chính vì vậy, từ năm 2014 đến nay, đã nảy sinh vấn đề mới. Không còn đưa được các qui định, chính sách vào thông tư thì một số Bộ, ngành lại có xu hướng "cài cắm" các điều khoản vào các luật trình Quốc hội.

Ví dụ như vừa qua có những dự án luật như Luật Kế toán, có những điều khoản bất bất hợp lý như buộc Giám đốc Công ty phải có chứng chỉ chuyên ngành kế toán (điều này theo nhiều Đại biểu Quốc hội là không cần thiết vì Giám đốc là nhà đầu tư, chỉ cần có cán bộ, nhân viên có chứng chỉ chuyên ngành là đủ)...

Và nếu các đại biểu Quốc hội không "tinh", cứ bấm nút thông qua, thì vẫn có những qui định bất hợp lý như vậy làm khó cho dân, cho doanh nghiệp và thuận lợi cho Bộ, ngành đề xuất chính sách, bảo vệ lợi ích của ngành, của phe nhóm.

Do đó, nếu Quốc hội có nhiều Đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu, có trách nhiệm như bà Phạm Khánh Phong Lan thì những biểu hiện, những qui định, chính sách bất hợp lý, có tính chất vụ lợi, phe nhóm... ở nơi này, nơi khác đưa vào trong các dự thảo Luật, Nghị quyết của Quốc hội sẽ được phát hiện, ngăn chặn.

Có như vậy mới bảo vệ lợi ích cho người dân, đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Và có những đại biểu am hiểu, có trách nhệm mới phát hiện ra đồng thời, xây dựng, đề ra các chính sách cụ thể, đầy đủ để khuyến khích thúc đẩy tinh thần tự do kinh doanh, cải cách thể chế để môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn.

Mạnh Quân