Mạng người không phải là "cỏ rác" và những cái chết "vô can"
(Dân trí) - Trẻ em rơi xuống hố chôn cột điện tử vong. Công trình xây dựng không có rào chắn gây chết người. Vấp hố ga, hai người tử nạn. Vướng dây điện rơi xuống lòng đường, nhiều người thương vong…
Đó là những thông tin không xa lạ trên báo chí của ta lâu nay.
Vụ tai nạn thương tâm vừa mới xảy ra tại Đại Từ, Thái Nguyên đã cướp đi 2 sinh mạng, trong đó, một phụ nữ mang thai 4 tháng.
Báo Dân trí cho biết: "Ông Đinh Xuân Tuyến - Chủ tịch UBND xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên xác nhận chị V.T.N. và anh H.V. (cùng SN 1998) đã tử vong trong vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là công dân địa phương.
Vào đêm ngày 1.11, anh Đ và chị N đi xe máy đã đâm vào ống cống chặn đường vốn để kiểm soát người, phương tiện ra vào Khu công nghiệp thời điểm chống dịch. Hiện, các ống cống trong khu công nghiệp vẫn được giữ lại để… dự phòng!
Theo ông Tuyến, chị N. đang mang thai được khoảng 4 tháng. Dự kiến ngày 8/11 (tức 4/10 âm lịch), chị N. sẽ tổ chức ăn hỏi với anh H.V.Đ. (SN 1998), trú tại xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La".
Có thể nói, tai nạn trên là rất thương tâm. Nó đã cướp đi sinh mạng của hai người trẻ tuổi ngay trước ngày hôn lễ cùng một hài nhi chưa được nhìn thấy mặt trời.
Song, tiếc rằng nó không lạ ở xứ ta. Đã từng có nhiều, rất nhiều người thương vong do những sự tắc trách kiểu này. Trẻ em rơi xuống hố chôn cột điện tử vong. Công trình xây dựng không có rào chắn gây chết người. Vấp hố ga, hai người tử nạn. Vướng dây điện rơi xuống lòng đường, nhiều người thương vong… Đó là những thông tin không xa lạ trên báo chí của ta lâu nay.
Thế nhưng càng buồn hơn, có lẽ cho đến nay, chưa có vụ việc nào được xử nghiêm minh theo pháp luật.
Trong khi đó, tại Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ qui định rất rõ: "Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người".
Có thể nói những qui định trên so với một số quốc gia trên thế giới chưa phải là nặng. Tại nước Anh, các lỗi tương đương ngoài số tiền bị phạt lên tới hàng chục ngàn bảng thì có thể bị phạt tù từ 7- 10 năm. Tại Đức, mức hình phạt còn nghiêm khắc hơn cả về bồi thường vật chất và hình phạt giam giữ. Tại Nhật bản, hình thức xử phạt cũng rất nghiêm khắc.
Trở lại với vụ việc trên, được biết hiện nay, Công an Thị xã Phổ Yên thụ lý, điều tra và không biết vụ việc sẽ diễn biến như thế nào?
Về quan điểm cá nhân, người viết cho rằng vụ việc trên cần phải xử lý hình sự theo điều 261 nói trên, tức là "bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm" theo qui định của pháp luật bởi đây là vụ tai nạn nghiêm trọng "làm chết 02 người".
Xử lý nghiêm vụ việc trên không chỉ là hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm mà còn là hình thức răn đe, ngăn chặn những việc làm tắc trách thường xảy ra lâu nay.
Không thể để tình trạng những cái chết oan uổng của người dân mà không có ai chịu trách nhiệm. Mạng người không phải là "cỏ rác" và những cái chết không thể "vô can".