Lý lẽ của người nghèo

Bích Diệp

(Dân trí) - Hơn 1 tỷ đồng là giá trị số tiền, vàng mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Long và bà Đoàn Thị Tám Em ngụ tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nhặt được ngay những ngày đầu năm nay.

Lý lẽ của người nghèo - 1

Câu chuyện được phản ánh trên báo Dân Trí: Đó là một ngày đầu tháng 1/2021, ông Long đi ra sông Đình Trung chài cá. Khi bước ra đường, ông thấy một túi xách của một người phụ nữ đi xe máy rớt xuống đường. Ông Long kêu lớn để người phụ nữ nghe dừng lại nhặt túi xách nhưng người phụ nữ không nghe thấy. Ông nhặt túi xách và ngồi đợi người phụ nữ quay lại để trả.

"Ban đầu tui định treo túi xách lên cây để chủ nhân quay lại lấy nhưng nghĩ lại sợ người khác lấy mất nên tui mang về nhà ngồi đợi trước nhà. Một lúc sau, thấy có người thanh niên chạy tới, chạy lui đoạn đường đó như tìm vật gì nên tui kêu lại hỏi. Người thanh niên này bảo tìm túi xách cho bà chị. Họ mô tả đúng túi xách và chủ nhân cũng đến nên vợ chồng tôi trao trả lại túi xách mà chẳng biết bên trong có bao nhiêu tiền" - ông Long kể lại.

Phải đến khi UBND phường mời ông lên tặng bằng khen "người tốt, việc tốt" thì vợ chồng ông Long mới biết bên trong túi xách có tiền và vàng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Con số đó đối với những người làm công ăn lương đơn thuần đã là khó tưởng tượng, huống hồ với vợ chồng ông Long bao nhiêu năm nay chỉ sống bằng nghề nhặt ve chai, vốn dĩ là một công việc bấp bênh, thu nhập bữa có bữa không, lời lãi tính bằng từng đồng bạc lẻ.

Như chính vợ chồng ông cũng chia sẻ, khi biết tin vợ chồng ông nghèo khó trả lại túi xách có tài sản hơn 1 tỷ đồng, nhiều người chê vợ chồng ông khù khờ, không biết tận dụng "của trời cho" để làm ăn.

Cách nghĩ đó của người đời không phải không có, thậm chí là ta vẫn thường gặp, thường nghe.

Lòng tham của con người vẫn thường hiện hữu. Dù chỉ là vài chục, vài trăm nghìn đồng vô tình nhặt được cũng dễ khiến lòng tham trỗi dậy và muốn chiếm hữu. Huống hồ, đây lại là một khoản tiền khổng lồ từ "trên trời rơi xuống", lấy không ai biết, nhặt không ai hay.

Khi đó, thói thường người ta sẽ lại "dỗ dành" mình bằng những cách nói bao biện là "lộc trời", là "của trời cho", hay là chậc lưỡi "của thiên hạ, biết đâu mà trả".

Cho nên dẫu gương "người tốt, việc tốt", "nhặt được của rơi tìm người trả lại" vẫn được dẫn lại rất nhiều trên báo chí, truyền thông… nhưng người viết thấy rằng, bấy nhiêu vẫn không bao giờ đủ.

Làm thế nào để ai trong tình huống tương tự cũng coi đó như là một điều hiển nhiên, đương nhiên phải làm, thay vì coi đó là khù khờ, dại dột (?!).

Trở lại với cách xử lý của ông Nguyễn Văn Long, thật lạ là ông không hề tò mò mở xem tài sản trong túi có những gì. Người đàn ông ấy chỉ loay hoay xem cách nào để trả lại cho người phụ nữ là chủ nhân của chiếc túi.

Vợ ông - bà Tám Em cũng rất rõ ràng khi nhìn nhận về sự việc: "Số tài sản trong chiếc túi mà chồng tui nhặt được thì làm cả đời cũng khó có được. Nhưng dù tài sản có lớn cách mấy thì đó là tài sản của người khác nên mình bằng mọi giá trả lại người đánh rơi".

Lý lẽ giản dị đó của cặp vợ chồng nghèo mới đáng quý, đáng trọng biết bao. Tôi sực nghĩ đến đâu đó còn biết bao người "học cao hiểu rộng", bao nhiêu vị có chức vụ, bằng cấp… song lại chóng quên những "bài học vỡ lòng" này. Họ vẫn tham, vẫn sân si, vẫn muốn chiếm giữ của người khác, của công để vun vén về phía mình.

Theo phản ánh tại bài viết ngày 6/2 trên Dân Trí, với công việc nhặt ve chai kiếm sống, ông Long, bà Tám Em chẳng những phải tự nuôi sống mình mà còn phải lo cho đứa cháu ngoại nay mới 6 tuổi.

Tôi không rõ hoàn cảnh cụ thể của ông bà ra sao. Bản thân ông bà cũng không hề than phiền, kêu nghèo kể khổ. Tuy nhiên, với những con người tử tế và lương thiện, tôi vẫn hi vọng họ sẽ có được một công việc ổn định, một kế sinh nhai bền vững, không bị thua thiệt nhiều trong cuộc sống.