Lòng tự trọng và sự xấu hổ
(Dân trí) - Tại hội nghị của ngành công an thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, tân Trưởng ban Nội chính trung ương, Bí thư thành ủy thành phố Đà Nẵng nói: “Làm gì cũng phải biết xấu hổ. Nếu không có văn hóa xấu hổ thì đất nước không bao giờ phát triển”.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Ông Thanh nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn, sắc sảo và chí lý. Người dân không chỉ ở Đà Nẵng, mà khắp cả nước chú ý đến ông, tôn trọng ông không phải ở những lời nói, mà vì ông là người nói được, làm được. Quan chức thì nhiều, nhưng người được nhân dân thực sự tôn trọng và kính trọng quả thực không nhiều. Sự thiếu vắng lòng tôn trọng đó không phải do dân chúng, mà bởi vì có không ít quan chức không xứng đáng với vị thế của mình.
Ba chữ “biết xấu hổ” đơn sơ như vậy, ai cũng có thể nói được, nhưng rất khó thực hiện. Quan chức giàu có bất thường không có lý do, tuy chưa có đủ chứng cứ để xử lý theo pháp luật về tội tham nhũng, nhưng ai cũng biết mười mươi đó là ông quan tham. Thế mà bản thân không biết xấu hổ.
Có những người tuy không tham ô, tiêu cực, nhưng năng lực kém cỏi, làm hỏng việc dân, việc nước. Việc làm của họ gây hại cho cơ quan, cho xã hội nhưng vẫn cứ cố bám lấy cái ghế chức quyền. Những người đó không biết xấu hổ.
Có nhiều người chẳng học hành, tìm cách mua bằng thạc sĩ, tiến sĩ, in danh thiếp có học vị là điều kiện để thăng quan tiến chức, từ dối trá khoa cử đến dối trá chốn quan trường. Ai cũng biết ông quan đó mua bằng, nhưng chính ông ta vẫn tự tin khoe khoang mà không biết xấu hổ.
Vì sao không biết xấu hổ? Bởi vì những người đó không có lòng tự trọng.
Không chỉ phải biết xấu hổ vì những việc mình không làm được hay làm kém, làm sai, mà còn biết xấu hổ vì những tồn tại chung, trong đó có một phần trách nhiệm của mình, ít nhất là trách nhiệm công dân.
Đất nước nghèo nàn, lạc hậu, dân mình phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống, tìm chồng ngoại quốc để có cái ăn… Lòng sao không xấu hổ được!
Hàng vạn công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp, bán sức lao động để đổi lấy đồng lương cơm không đủ no, áo không đủ ấm, chỗ ở không có... Lòng không xấu hổ sao được!
Một đất nước đang khai thác cạn kiệt tài nguyên để bán, nền sản xuất yếu kém, chưa làm được những hàng hóa có giá trị cạnh tranh, không có phát minh, sáng chế để tạo ra sản phẩm công nghệ cao. Nền kinh tế đất nước phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của nước ngoài, máy móc thiết bị đều phải nhập khẩu. Lòng không xấu hổ sao được!
Nói như ông Nguyễn Bá Thanh: “Nếu không có văn hóa xấu hổ thì đất nước không bao giờ phát triển”.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!