Lòng nhân ái bị "chìm" trong bộ máy quản lý?

(Dân trí) - Quỹ “Cơm có thịt” nghe thật gần gũi và chân thành. Những người sáng lập đã đặt mục đích rất rõ ràng, cụ thể, đó là hỗ trợ các học sinh một số địa phương miền núi phía Bắc có thêm chút thịt trong bữa cơm. Giản dị thế thôi nhưng lại khó vô cùng.

  

(Minh họa: Vũ Toản)

(Minh họa: Vũ Toản)

 

Câu chuyện bắt đầu từ một lần Nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên là Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) chứng kiến học sinh trong khu nội trú dân nuôi tại một trường ở xã vùng cao Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái ăn cơm chỉ toàn canh loãng. Thương các cháu quá, ông Tuấn cùng bạn bè góp tiền, hằng tháng gửi lên cho các em, mong sao mỗi bữa ăn các cháu có thêm một, hai lát thịt.

 

Việc làm của ông Tuấn và bạn bè đã động lòng trắc ẩn, nhiều cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm đã nhiệt tình tham gia. Để cho bữa cơm của các cháu có thịt ăn dài hơi hơn, đồng thời chấp hành quy định của Nhà nước, nên ông Tuấn đã xin thành lập Quỹ “Cơm có thịt”, hồ sơ được gửi lên Bộ Nội vụ và “bi kịch” của những tấm lòng bác ái xảy ra bắt đầu từ đây.

 

Hồ sơ bị ngâm, những người sáng lập Quỹ nhận được câu trả lời lạnh lùng “lãnh đạo đi công tác”. Không chỉ một lần mà nhiều lần như thế, dẫu cho những người xót thương các em có sốt ruột đến đâu thì người có trách nhiệm vẫn “hồn nhiên” vứt hồ sơ vào ngăn kéo. Chẳng lẽ xin cấp phép cho lòng từ thiện mà cũng phải “chạy” như chạy chức, chạy quyền, chạy ghế…

 

Xin hỏi, cơ quan công quyền hoạt động như thế nào mà tất cả lãnh đạo đều đi công tác suốt nhiều tháng đến nỗi không có người duyệt hồ sơ, để cho công việc liên quan của xã hội bị ách tắc? Quản lý hoạt động từ thiện xã hội là việc cần phải làm ngay, không thể cửa quyền vô trách nhiệm. Trong trường hợp này, có thể thấy thói quan liêu đã ăn quá sâu trong một bộ phận cán bộ công chức, quan liêu ngay cả với lòng nhân ái.

 

Đất nước nghèo, trẻ em nhiều nơi còn quá cơ cực, câu thơ Nguyễn Duy viết năm nào vẫn còn đó như một lời nhắc nhở: “Xứ sở thông minh sao thật lắm trẻ con thất học, lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương. Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt, tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp, tuổi thơ bay như lá ngã tư đường… Bài Nhìn từ xa… Tổ quốc!”.

 

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt bởi vì còn có những kẻ phá tiền bạc của đất nước này hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ đồng, bởi vì có những kẻ làm giàu bằng vô số mánh khoe đục khoét tài sản quốc gia và bởi vì có nhiều trái tim “hồn nhiên” thờ ơ với nỗi đau của biết bao thân phận con người.

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!