Lời xin lỗi mới khó nói làm sao!

(Dân trí) - Tiếp tục thông tin về vụ tai nạn tối 3/1/2019 tại "ngã tư chết người" – nút giao tuyến tránh TP Hà Tĩnh và QL1A thuộc địa phận xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), các phóng viên Văn Dũng, Phượng Vũ của Dân trí cho biết, gia đình nạn nhân tuyên bố sẽ làm đơn khởi kiện Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý đường bộ II tại TAND tỉnh Hà Tĩnh.

Lời xin lỗi mới khó nói làm sao! - Ảnh 1.

Ngoài ra, vợ nạn nhân cũng sẽ đề nghị cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh trong vụ tai nạn này.

Đây là diễn biến có thể sẽ khiến các lãnh đạo tại Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý đường bộ II và UBND tỉnh Hà Tĩnh cảm thấy bất ngờ. Xưa nay, vốn dĩ người dân làm đơn "xin", đơn kiến nghị… thì nhiều chứ làm đơn kiện các cơ quan chức năng thì quả là hi hữu.

Hơn nữa, vụ tai nạn ngày 3/1 cũng không phải là đầu tiên và duy nhất xảy ra tại nút giao thông này. Đã có rất nhiều sự cố xảy ra tại đây và cũng đã có nhiều trường hợp bị thương, tử vong… đến mức người dân lan truyền, gọi đây là "ngã tư chết người". Chừng đó đủ thấy đoạn đường này nguy hiểm nhường nào. Ấy thế mà cũng phải đến giờ phút này các đơn vị có thẩm quyền mới nhìn thấy nguy cơ bị khởi kiện.

Cơ sở khởi kiện được vợ nạn nhân nêu rất rõ với phóng viên rằng người dân đã nhiều lần phản ánh, Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh đã có các văn bản kiến nghị, đề xuất khắc phục ngã tư nguy hiểm này, nhưng Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý đường bộ II, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã không thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật dẫn tới tai nạn, gây hậu quả chết nhiều người.

Cũng chính bởi vậy, Trung tá Võ Côn Sơn - Đội trưởng Đội CSGT huyện Cẩm Xuyên, người trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn nói trên cùng đại diện phía luật sự đều khẳng định "gia đình bị hại hoàn toàn có quyền khởi kiện các cơ quan chức trách".

Có thể sẽ nhiều người nghĩ rằng, khi dân kiện cơ quan chức năng, kiện chính quyền địa phương  là "Con kiến kiện củ khoai", "Được vạ thì má cũng sưng"... Trong rất nhiều trường hợp, khi cơ quan chức năng có lỗi, chây ì, chậm chạp, gây thiệt hại thì đa số người dân cũng chỉ biết tặc lưỡi cho qua, kiên trì chờ đợi hoặc thậm chí phải nghĩ cách "hiểu nhanh", "đi tắt" bằng phong bì.

Xin nhớ rằng, quyền luôn đi kèm trách nhiệm. Bất cứ ai có quyền giải quyết thì đương nhiên cũng phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mà mình được giao.

Cách đây hơn 3 năm, vào tháng 9/2015 cũng đã xảy ra một vụ kiện hành chính giữa doanh nghiệp là Công ty CPTM Phú Lễ Việt Nam với cơ quan chức năng là Cục Thuế TPHCM. Kết quả là Cục Thuế TPHCM đã bị TAND TPHCM tuyên thua kiện và bị huỷ quyết định truy thu, phạt doanh nghiệp gần 5,6 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, vào năm 2014, Công ty TNHH Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) cũng được toà tuyên thắng kiện Bộ Tài chính và được bồi hoàn khoản tiền hơn 7,1 tỷ đồng mà thanh tra Bộ Tài chính đã tạm giữ…

Những ví dụ đó để thấy rằng, một khi người dân ý thức được quyền của họ thì việc các cơ quan chức năng bị khởi kiện do không làm đúng phận sự sẽ trở nên bình thường và việc họ bị thua kiện cũng không phải là điều gì khó tưởng tượng, bởi luật pháp thuộc về lẽ phải.

Người dân kiện không hẳn chỉ nhằm mục đích đòi bồi thường. Như vợ nạn nhân vụ tai nạn nói trên chia sẻ: "Có nói gì đi nữa thì chồng tôi cũng đã mất. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là đơn vị chủ quản, các cá nhân thiếu trách nhiệm phải lên tiếng xin lỗi người dân và phải chịu trách nhiệm, bị xử lí để không còn những cái chết đau lòng như gia đình tôi đang phải gánh chịu".

Nhưng than ôi, việc nhận trách nhiệm thật khó khăn, lời xin lỗi cũng thật khó nói làm sao! Họ vẫn còn đang bận rà soát, kiểm tra, tiến hành xử lý… theo quy trình.

Bích Diệp