Lời tri ân thầy cô sau ngày trọng đại
(Dân trí) - Sau những lời chúc mừng nồng nhiệt của Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi lặng lẽ nhìn lại niên học 2019 – 2020 để cảm nhận sâu sắc hơn những gì các thầy cô giáo đã làm được trong năm học đặc biệt này.
Đây là năm học có lẽ là hiếm hoi đối với ngành giáo dục và đào tạo nước nhà khi học sinh có kỳ nghỉ tết kéo dài nhiều tháng, bị gián đoạn nhiều lần. Đây cũng là năm học đầu tiên tất cả các cấp học phải áp dụng phương pháp học trực tuyến.
Là một phụ huynh, thành thật, tôi đã từng rất lo lắng về mọi phương diện, từ chất lượng học tập, thói quen của thầy, trò cho đến sự thay đổi thời khóa biểu thất thường theo diễn biến của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến con em mình.
Thế nhưng, bằng nỗ lực của mình, thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên đã vượt qua một cách xuất sắc.
Đặc biệt là việc tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Vì thế, không thể nói hết niềm vui khi niên học 2019 – 2020 đã đi qua một cách nhẹ nhàng và tốt đẹp.
Trên báo Tiền Phong, các đồng nghiệp của chúng tôi đã ghi lại ý kiến của GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
“Khó khăn lớn nhất lúc đó là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là bước chuyển từ kỳ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT và giao trách nhiệm cho địa phương.
Khó khăn nữa là có hai đợt thi. Vì dịch bệnh không thể lường trước được nên phải thích ứng dần trong mọi hoàn cảnh; tổ chức dạy và học trong mọi điều kiện có thể và chấp nhận sống chung với nó”.
Chia sẻ và chúc mừng, TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTN-TNND của Quốc hội bày tỏ: “Dù khó khăn hơn rất nhiều so với những năm học trước nhưng chất lượng giáo dục phổ thông vẫn được giữ vững.
Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chỉ số xếp hạng và số lượng các trường đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các trường có chất lượng tốt, uy tín trong khu vực và thế giới tiếp tục được nâng lên”.
Được biết , theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về chỉ số Vốn nhân lực, Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế.
Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Điều này là bất ngờ lớn bởi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn họ.
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015.
Gần đây nhất, việc có 8 trường đại học lọt vào TOP 500 trường hàng đầu Châu Á, 4 trường lọt vào TOP 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, tuy chưa được lọt vào tốp 200 như mục tiêu Chính phủ đề ra từ năm 2007 nhưng cũng là thành tích đáng kỳ vọng, minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương tự chủ đại học.
Tiếc rằng tuy rất nhiều thành tựu, song vẫn còn một số những khuyết điểm không đáng có đã làm lu mờ ít nhiều sự nỗ lực của toàn ngành.
Ngày vui, xin không nhắc chuyện không vui. Xin được gửi đến tất cả các thầy cô sự ghi nhận và lòng biết ơn về một năm học đầy khó khăn, song đã thể hiện bản lĩnh của Nhà giáo Việt Nam kiên cường vượt khó.