Lời “thú nhận” buồn trước thềm năm mới

(Dân trí) - Tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 01 về “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” ngày 30/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đưa ra một nhận xét trên cả tuyệt vời vì sự trung thực: “… không đâu đi lại lộn xộn như Hà Nội”. Có lẽ hiếm có một vị “chủ nhà” nào lại đủ dũng cảm chỉ ra cái yếu, cái kém trong chính căn nhà mình như Chủ tịch Thảo!

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thật ra điều này không mới bởi từ lâu, nhân dân cả nước đã dành cho Hà Nội một câu “thành ngữ” đầy “ưu ái”: “Hà Nội không vội được đâu”. Tất nhiên, câu này không chỉ riêng cho giao thông mà ở nhiều lĩnh vực. Nó hình như còn phảng phất câu chê trách sự trì trệ, chậm trễ và cả lộn xộn của Thủ đô.

Nói về sự lộn xộn của giao thông Hà Nội thì cả ngày không hết.

Những việc như lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ, bán hàng rong trên phố, đỗ xe tùy tiện, vượt làn, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… và cả những con đường kiểu “cong cong mềm mại” tức là từ khâu thiết kế quy hoạch, trật tự đô thị, an toàn giao thông đến khâu “đào khoét” lòng đường, vỉa hè… đều rất lộn xộn.

Có câu chuyện rằng một tên tướng cướp vô cùng độc ác khi chết bị đày xuống âm phủ. Diêm vương họp quần thần để quyết định bắt hắn đầu thai vào kiếp nào cho xứng với tội ác hắn đã gây ra trên trần gian. Sau khi tham khảo đủ mọi ý kiến, Diêm vương quyết định đày hắn vào kiếp… con đường ở Hà Nội để cho thân xác hắn suốt ngày bị băm vằm, đào đục và chìm trong ngập úng.

Đó là chuyện dân gian. Còn chuyện thật 100% là ông bố vợ mình, một thương binh trong Chiến dịch Quảng Trị 1972. Một bữa cụ từ quê lên, vào nhà mặt mày tái dại, thở hổn hển. Sau khi kể lại những “đoạn trường Hà thành”, cụ buông một câu… xanh rờn: “Sợ hơn thời bố đánh Quảng Trị”.

Mới đây nhất, báo chí đưa tin đoàn diễn viên Hàn Quốc sang Việt Nam đã rất ngỡ ngàng với giao thông Hà Nội bởi có lẽ “Thế gian này họ đã đi ngàn dặm – Có thể nhiều hơn cơ – Nhưng lộn xộn như đường Hà Nội – Quả họ chưa thấy bao giờ (Phổ bài thơ Bốn đêm say – dân ca Mỹ)”.

Thôi, không kể về sự “lộn xộn Thủ đô” nữa bởi như đã nói ở trên, có mà hết ngày không hết chuyện.

Xin đặt câu hỏi: Sự lộn xộn này do đâu mà ra?

Tất nhiên, không phải tại “ông trời”, cũng chẳng phải tại “ngoại bang” và cũng không ai phá hoại chúng ta cả.

Xin hãy quên đi cái “hội chứng làng Vũ Đại” thời bác Nam Cao. Đó là khi một gã Chí Phèo say rượu chửi cả làng với tổ tiên, mồ mả mà ai cũng nghĩ “chắc nó chừa mình ra” bởi đó là hội chứng vô trách nhiệm.

Nói thẳng, nó là tại chúng ta, tại chúng ta tất cả.

Vậy chúng ta ở đây là ai? Tất nhiên trước hết là các nhà quản lý, trong đó đứng đầu là “vị chủ nhà” Nguyễn Thế Thảo và sau đó là các công dân Thủ đô (tất nhiên là không “trừ” người viết bài này).

Không thể nói khác, chính chúng ta đã “góp phần to lớn” làm nên sự lộn xộn của Hà Nội hôm nay.

Mong rằng từ năm 2015, noi gương TP Hồ Chí Minh hoặc “tỉnh lẻ” Đà Nẵng, chúng ta hãy chung tay xây dựng một “Thủ đô đáng sống”. Muốn vậy, ngoài tinh thần tự phê nghiêm khắc như lời ông Chủ tịch, chúng ta hãy dẹp bỏ “hội chứng làng Vũ Đại” để nhận ra trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Cũng mong rằng lời “thú nhận” của vị chủ nhà “không đâu đi lại lộn xộn như Hà Nội” không chỉ là lời nói khơi khơi của người ngoài cuộc mà sẽ sớm trở thành mệnh lệnh hành động của lãnh đạo Thủ đô.

“Không đâu đi lại lộn xộn như Thủ đô” – Lời “thú nhận” buồn trước thềm năm mới!

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!