Lời thề trước quốc dân nặng như núi

(Dân trí) - Ngày 24.11 là ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Quốc hội Việt Nam - đã bấm nút thông qua Nghị quyết về Nội quy kỳ họp, trong đó thống nhất quy định, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao phải tuyên thệ nhậm chức.

 


(Vào kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội XIV tới đây (tháng 7/2016), Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao sẽ thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức theo quy định (ảnh: Việt Hưng).

(Vào kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội XIV tới đây (tháng 7/2016), Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao sẽ thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức theo quy định (ảnh: Việt Hưng).

Tuyên thệ không đơn giản là hình thức, mà thực sự có ý nghĩa đối với cá nhân người nhậm chức cũng như với quốc dân đồng bào. Nhiều nước có nghi thức tổng thống tuyên thệ không phải vì họ trọng hình thức, mà vì họ nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên thệ. Vị tổng thống đó làm không đúng với lời thề thì lịch sử sẽ ghi lại, làm đúng thì sử sách lưu thơm, muôn đời không quên.

Cho dù không đưa tay tuyên thệ, thì mọi việc làm của một nhà lãnh đạo đều được sử  sách ghi lại, nhưng lập lời thề vẫn có ý nghĩa khác biệt.

Khi được đắc cử, chắc chắn người nhậm chức đều có tâm nguyện làm việc hết sức mình cho đất nước, cho nhân dân. Nhưng nói riêng với chính mình khác, đứng trước Quốc kỳ, trước Quốc hội, trước đồng bào và lập lời thề lại là chuyện khác. Điều này như một đặc ân dành cho người làm lãnh đạo cao cấp - bởi vì không phải ai cũng được thực hiện nghi thức này -  đồng thời cũng là sự thể hiện trách nhiệm tối cao đối với công việc mà nhân dân giao phó.

Lập lời thề trước lá cờ Tổ quốc là vô cùng thiêng liêng, bởi vì trong lá cờ đó nhuốm máu của cha ông nghìn đời dựng nước, giữ nước và mở nước. Lúc lập lời thề không phải là tiếng của “ngày xưa vọng nói về”, mà tiếng của hôm nay nói với cha ông nghìn năm trước và nói với con cái tận  mai sau.

Thật ra, việc tuyên thệ đã có từ trong truyền thống, điển hình như Lễ hội Minh thề lại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc không chỉ riêng cho người có chức quyền, mà cho từng công dân.

Những ngày đầu giành độc lập, khi nhận trọng trách thành lập Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định công việc đại sự quốc gia "bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận".

Khi đã được bầu làm người đứng đầu chính phủ, Hồ Chủ tịch đã trịnh trọng tuyên bố:"Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan, phát tài".

Không chỉ nói cho riêng mình, Hồ Chủ tịch còn khẳng định: "Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái". Và "Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết"… (Theo Vietnam Net, bài  'Tôi tuyên bố Hồ Chí Minh không tham quyền cố vị', ngày10/05/2010).

Trở lại với quy định bốn chức danh đứng đầu các cơ quan nhà nước tuyên thệ nhậm chức, cần tính đến những hình thức xác lập lời cam kết có ý nghĩa tinh thần đối với quan chức hôm nay, nếu không quy định bằng văn bản hành chính, thì cũng nên thực hiện mang ý nghĩa tinh thần.

Không chỉ với những lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, người dân còn chờ đợi có những quan chức đứng đầu địa phương mình lập một lời thề trước dân chúng. Không cần nghi thức cao sang, không cần nộ i quy quy định, chỉ cần một lời nói nặng tựa núi và một quyết tâm sắt đá…

Lê Chân Nhân